fbpx

Chuyện “thời tiết” nghệ thuật: Một hội thoại cùng Michal Teague & Emma Duester

Tháng 11 này, 30 tác phẩm trong Bộ sưu tập Nghệ thuật đương đại Việt Nam của Đại học RMIT sẽ xuất hiện trong triển lãm ‘Không Mây Không Mưa’. Đây là một sự kiện quan trọng của Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020. Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với hai giám tuyển của triển lãm về Bộ sưu tập, về những trải nghiệm đang chờ đợi người xem, và về vai trò của số hóa trong lưu giữ di sản và lịch sử văn hóa.

 
 

Chuyện “thời tiết” nghệ thuật
Một hội thoại cùng Michal Teague & Emma Duester

 

Tháng 11 này, 30 tác phẩm trong Bộ sưu tập Nghệ thuật đương đại Việt Nam của Đại học RMIT sẽ xuất hiện trong triển lãm ‘Không Mây Không Mưa’. Đây là một sự kiện quan trọng của Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020. Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với hai giám tuyển của triển lãm về Bộ sưu tập, về những trải nghiệm đang chờ đợi người xem, và về vai trò của số hóa trong lưu giữ di sản và lịch sử văn hóa.

Ta hiểu đến đâu về những nơi chốn quen thuộc? Trong một số trường hợp nhất định, vẫn có thể dễ dàng nhận ra những điều đặc biệt về một nơi chốn tưởng như đã cũ. Như ngày hôm nay – trong khi trời mưa không ngừng từ sáng, một cơn bão sắp đến – thì tại cơ sở Hà Nội của Đại học RMIT, giữa đám đông sinh viên và nhân viên văn phòng là sự hiện diện dễ thấy và đáng quý của các tác phẩm nghệ thuật.

Tại khu vực lễ tân, khách và sinh viên bắt gặp mảng màu tươi trong tranh của Trần Văn Thảo. Tại trung tâm Hỗ trợ sinh viên là sự hóm hỉnh của Nguyễn Mạnh Hùng trên một bức tranh khổ lớn. Ở khu Cao học: ba tác phẩm của Phan Thảo Nguyên suy tưởng về ‘niềm tin’. Điêu khắc của Đinh Công Đạt nằm trong thư viện. Trên tường của phòng Chăm sóc sức khỏe và tâm lý là các hình trừu tượng với màu sắc dịu nhẹ, và thậm chí có cả một bộ xương (trong tranh của Richard Streitmatter-Tran).

Thuộc sưu tập của RMIT, các tác phẩm này (và cả một số khác) đã biến đổi cơ sở giáo dục của trường tại cả Hà Nội và TP. HCM thành một dạng triển lãm nghệ thuật (hay thậm chí một cuộc ‘truy tìm kho báu’ cho những sinh viên tò mò). Không gian thường ngày được khoác thêm một lớp không gian mới, một sự ‘tĩnh tại’ cho một môi trường tất bật, cũng như cảm hứng để chú ý, để nghĩ, đặt câu hỏi, tìm kiếm thông tin, và để sáng tạo.

“Việc đứng giữa các tác phẩm nghệ thuật chắc chắn sẽ khuyến khích ta thể hiện chính mình.” – Michal Teague (Giảng viên Thiết kế, Khoa Truyền thông & Thiết kế – RMIT Việt Nam) chia sẻ.

“Tôi vừa thấy một nhóm sinh viên nhún nhảy trước một tác phẩm ở tầng trệt.” – TS. Emma Duester nói thêm, cô là đồng nghiệp của Michal tại Khoa Truyền thông & Thiết kế, RMIT Việt Nam và là Giảng viên về Truyền thông.

Michal và Emma là hai giám tuyển của Không Mây Không Mưa, triển lãm trưng bày 30 tác phẩm thuộc Bộ sưu tập của RMIT về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, chương trình đánh dấu lần đầu tiên các tác phẩm trong bộ sưu tập cùng xuất hiện ngoài khuôn viên RMIT. Hôm nay, tôi có dịp phỏng vấn Michal và Emma để hiểu thêm về triển lãm, cũng như về những công việc của họ trong cộng đồng văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Khu vực lễ tân tại Cơ sở Hà Nội của RMIT, với tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn (trái; 'Số 37B Phố Nguyễn Hữu Huân', 2014, ảnh đắp nổi, 48×69 cm) & Trần Văn Thảo (phải; 'Thập tự', 2008, sơn dầu và acrylic trên toan, 160×120 cm)


Đôi khi, nghệ sĩ có thể sẽ không bao giờ thấy lại tác phẩm của mình một khi tác phẩm được sưu tập; vậy nên, luôn là một điều tốt khi nghệ thuật có thể được chiêm ngưỡng trực tiếp.

Hai chị có thể giới thiệu tổng quát về Bộ sưu tập của RMIT về nghệ thuật đương đại Việt Nam?

MICHAL TEAGUE (M): Bộ sưu tập được bắt đầu vào năm 2015 và hiện gồm khoảng 80 tác phẩm đặt tại cơ sở Hà Nội và Nam Sài Gòn của trường. Phụ trách chính việc quản lý các tác phẩm là bộ phận thư viện của RMIT, ngoài ra còn nhóm chúng tôi gồm các giảng viên RMIT và một nghệ sĩ [Richard Streitmatter-Tran – mọi ghi chú trong ngoặc vuông là của người phỏng vấn] tạo thành một Ban Cố vấn với mục đích hỗ trợ quảng bá bộ sưu tập. Giáo sư Rick Bennett, cựu Trưởng khoa Thiết kế & Truyền Thông và hiện là Giám đốc cấp cao phụ trách đào tạo của trường cũng đã đóng góp nhiều cho việc tìm các tác phẩm mới và mở rộng bộ sưu tập. Đây là một hướng rất tốt để chúng tôi kết nối và hỗ trợ cộng đồng văn hóa và sáng tạo Việt Nam.

Đôi khi, nghệ sĩ có thể sẽ không bao giờ thấy lại tác phẩm của mình một khi tác phẩm được sưu tập; vậy nên, luôn là một điều tốt khi nghệ thuật có thể được chiêm ngưỡng trực tiếp.  

EMMA DUESTER (E): Tôi cho rằng bản thân các tác phẩm trong khuôn viên trường có một tác động nhất định đến sinh viên..Trong thư viện, các bạn ấy thường ngồi học xung quanh các bức tranh và một số tác phẩm điêu khắc. 

M: Hơn nữa, khi dạy học, chúng tôi không muốn lúc nào cũng sử dụng các ví dụ từ văn hóa phương Tây – dù đó là môi trường quen thuộc nơi chúng tôi trưởng thành. Chúng tôi cũng quan tâm đến các hướng tiếp cận khác – qua các tác phẩm trong bộ sưu tập, qua các chuyến thực địa, v..v.. – để nhấn mạnh tầm quan trọng của các truyền thống văn hóa nghệ thuật Việt Nam, gồm cả các thực hành di sản và đương đại.

Trong phạm vi trường, một số tác phẩm trưng bày trong các không gian nội bộ, nhưng bất kỳ ai quan tâm cũng có thể truy cập vào bộ sưu tập số trên trang web của RMIT, để có đầy đủ thông tin và hình ảnh tác phẩm [bao gồm cả các mã phòng, cho biết vị trí chính xác của từng tác phẩm tại các cơ sở RMIT]. Chúng tôi rất coi trọng việc tạo kênh truy cập số cho bộ sưu tập, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

E: Thời gian qua Michal và tôi cũng thực hiện nghiên cứu về công tác số hóa các tư liệu và bộ sưu tập của các tổ chức văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam; qua nghiên cứu này, có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc có một nền tảng số.

Michal Teague & Emma Duester tại thư viện RMIT (cơ sở Hà Nội) bên cạnh tác phẩm của Đinh Công Đạt ('Bức tượng cậu học sinh #62', 2010, sơn mài trên vật liệu tổng hợp, 24×50×28 cm; 'Bức tượng cậu học sinh #65', 2014, sơn mài trên vật liệu tổng hợp, 24×50x25 cm)

30 tác phẩm trong bộ sưu tập sẽ sớm xuất hiện tại triển lãm ‘Không Mây Không Mưa’ – các chị có thể giải thích thêm về tên gọi này?

M: Triển lãm thuộc khuôn khổ VFCD 2020 – với một số lượng lớn sự kiện tập trung khám phá mối tương quan giữa di sản và hiện đại – chúng tôi muốn giới thiệu nhiều tác phẩm mà các nghệ sĩ sáng tác dựa trên ý niệm về ký ức và truyền thống văn hóa, hoặc đưa ra những nhận định về quá trình đô thị hóa và tốc độ thay đổi chóng mặt của mọi điều. 

‘Không mây không mưa’ (No Rain without Clouds) là một cụm từ tôi tình cờ bắt gặp, ở đó tôi cảm nhận sự phù hợp với những điều chúng tôi muốn nhắc đến: nếu không có sự tồn tại của các di sản – hay quá khứ – tương lai sẽ không tồn tại, như cách một cơn mưa cần được ‘nuôi dưỡng’ bởi những đám mây vậy.

E: Triển lãm này liên quan nhiều đến tư duy về sự lưu giữ – không chỉ là sự lưu giữ nghệ thuật, mà còn là lưu giữ không gian của một thành phố cho các thế hệ tương lai. Giờ là thời điểm thích hợp để thảo luận về vấn đề này, trong bối cảnh đại dịch – làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu lại, tươi mới, sau những gì đã xảy ra?

Ngoài tâm điểm là triển lãm, các chị cũng tổ chức một số sự kiện và hoạt động trong khuôn khổ VFCD 2020 có sự kết nối với nhau về nhiều mặt. Hai chị có thể cho biết thêm về những sự kiện này?

E: Sẽ có một buổi trò chuyện vào ngày 14.11 với sự tham gia của một số nghệ sĩ trong triển lãm, để thảo luận về chi tiết tác phẩm cũng như bối cảnh chung của văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Bốn ngày trước đó, chúng tôi sẽ có một hội thảo kết hợp workshop với quy mô lớn hơn tại Cơ sở Hà Nội của RMIT. Sự kiện này hướng tới những người làm văn hóa – các gallery, thư viện, cơ sở lưu trữ, bảo tàng – và gợi mở những thảo luận về tính bền vững trong ngành này.

M: …Với các chủ đề như xây dựng khán giả, tạo nguồn thu nhập, hay số hóa tư liệu để giúp nhiều người tiếp cận được tư liệu hơn, có khá nhiều điều những người tham gia hội thảo này sẽ cùng tìm hiểu. RMIT đã luôn hoạt động tích cực trong việc kết nối các tổ chức văn hóa nghệ thuật khác nhau, có thể kể đến Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, UNESCO, hay đặc biệt là Bảo tàng Phụ nữ – triển lãm này chỉ là một trong nhiều dự án chúng tôi đang cùng phát triển với họ.

E: Vai trò của RMIT là đưa các ý tưởng và thông tin về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vào môi trường giáo dục, đồng thời góp phần giúp các tổ chức tại Việt Nam kết nối với đối tác quốc tế, hướng đến sự hợp tác phát triển.


Triển lãm này liên quan nhiều đến tư duy về sự lưu giữ.. Giờ là thời điểm thích hợp để thảo luận về vấn đề này, trong bối cảnh đại dịch – làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu lại, tươi mới, sau những gì đã xảy ra?

Và các chị cũng khởi xướng một Cuộc thi Cảm nhận tác phẩm nghệ thuật?

E: Ban đầu, mục đích của cuộc thi này là nối dài những ‘đối thoại’ sẵn có giữa các tác phẩm và sinh viên RMIT – nhưng sau đó chúng tôi quyết định mở ra cho cả công chúng nói chung. Các bài cảm nhận có thể ở bất kỳ hình thức nào: một văn bản mang tính sáng tạo, video, thậm chí là video TikTok cũng được! Ban giám khảo gồm các nghệ sĩ và thành viên Ban Cố vấn của Bộ sưu tập RMIT sẽ là những người chấm giải, đồng thời các bài cảm nhận cũng sẽ được đưa lên trang Instagram để khán giả bình chọn. Cuộc thi này như một cách để chúng tôi giới thiệu được về bộ sưu tập đến nhiều người hơn.

M: …Cũng là để cho thấy rằng nghệ thuật không chỉ là một lĩnh vực cao siêu chỉ dành riêng cho người uyên bác – ngược lại, nghệ thuật dành cho tất cả mọi người. 

E: Thật vậy, hoạt động đang diễn ra của các tổ chức và không gian [sáng tạo] trên khắp Việt Nam cũng cho thấy điều này.

Hai chị có thể chia sẻ thêm về phiên bản triển lãm số được nhắc tới khi nãy không?

M: ‘Không Mây Không Mưa’ sẽ xuất hiện trên nền tảng số Kunstmatrix – lúc đầu chúng tôi khá lưỡng lự do chưa từng tiếp xúc, nhưng chi phí của nền tảng này hóa ra rất phải chăng, sử dụng cũng không khó. Đây là một điểm sáng của thời đại này: ta có rất nhiều lựa chọn công nghệ mà không cứ phải là một chuyên gia viết ‘code’ ta vẫn có thể có thể sử dụng. Và đây [cô chỉ vào một tập hồ sơ đã được in] – tôi có thể tạo ra một catalogue triển lãm như vậy chỉ bằng một cú nhấp chuột. Người sử dụng cũng có thể dễ dàng thao tác và di chuyển trong một không gian ba chiều – khi nhấp chuột vào một tác phẩm, toàn bộ thông tin liên quan sẽ hiện ra, bao gồm lời giới thiệu và hình ảnh chi tiết. Ngoài ra, có cả một phần nhạc soạn riêng cho triển lãm do đồng nghiệp của chúng tôi tại RMIT là nghệ sĩ đa phương tiện Thierry Bernard-Gotteland sáng tác [anh cũng tham gia vào một dự án khác trong khuôn khổ VFCD 2020: Rìa thành phố].

Với Kunstmatrix, có khoảng 20 cấu trúc không gian. Chúng tôi cố tạo ra một trải nghiệm tương đồng về trưng bày tác phẩm giữa các phiên bản của ‘Không Mây Không Mưa’, tuy vậy vẫn sẽ có sự khác biệt giữa không gian Bảo tàng Phụ nữ và không gian triển lãm ảo.

E: Thực sự thì 30 tác phẩm trong cùng một không gian vật lý sẽ đối thoại với nhau theo một cách khác so với triển lãm số. Vậy nên đây sẽ vẫn là hai trải nghiệm với những nét riêng.


Thời gian cũng là một yếu tố.. các không gian phải tạm đóng cửa do dịch bệnh đồng nghĩa với việc những người điều hành có nhiều thời gian hơn – để nâng cấp website chẳng hạn.

Như nhiều đồng nghiệp khác trong Khoa Thiết kế & Truyền thông, hai chị thực hành ở các vai khác nhau, là nhà giáo và cũng là người làm nghệ thuật – làm giám tuyển, nghiên cứu hay thiết kế. Những khía cạnh chúng ta đã nhắc đến – vai trò của công nghệ và vai trò của sự lưu giữ – cũng liên quan đến một nghiên cứu hai chị đang cùng thực hiện?

E: Chúng tôi nghiên cứu về các các tổ chức văn hóa nghệ thuật Việt Nam số hóa bộ sưu tập của họ, tập trung vào hai trường hợp của Matca và Bảo tàng Phụ nữ, nhưng chúng tôi cũng đã thực hiện 20 phỏng vấn với các không gian nghệ thuật, bảo tàng, tổ chức đấu giá, cũng như với các nghệ sĩ và tổ chức nghệ thuật khác.

M: Điểm đáng nói đến, là đại dịch đã đẩy nhanh quá trình này: có tương đối nhiều tổ chức đã tích cực hơn trong việc số hóa lưu trữ của họ so với thời điểm trước Covid-19. Có thể coi đại dịch như một hồi chuông thức tỉnh. 

E: Thời gian cũng là một yếu tố trong đó, các không gian phải tạm đóng cửa do dịch bệnh đồng nghĩa với việc những người điều hành có nhiều thời gian hơn để nâng cấp website chẳng hạn.

M: Một số tổ chức đã tìm lại được các tài liệu được lưu trữ trong 10 năm qua của họ và tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận được những thông tin này. Bởi vì nếu một cá nhân luân chuyển công việc hay dời đi (mà không có lưu trữ số hóa – giải thích của người viết), tất cả lượng tri thức này có khả năng sẽ biến mất theo họ. 

E: Một vài cá nhân được phỏng vấn cũng đang nỗ lực thiết lập các lưu trữ mới cho nghệ thuật đương đại. Khu vực nhà nước cũng có động thái tích cực, có thể kể đến những gì đang diễn ra ở Viện Văn hóa Nghê thuật Quốc gia Việt Nam hay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Nhìn chung, chúng tôi muốn nhấn mạnh vào các hoạt động đang diễn ra tại Việt Nam, nhất là khi nhiều người đã và đang tập trung vào những sự việc mang tầm thế giới. Một trong những thách thức thường được nhắc tới – liên quan đến các nỗ lực đưa các bộ sưu tập và lưu trữ đến gần hơn với công chúng – là sự thiếu hụt về ngân sách cũng như công nghệ và nhân sự; rất có thể nhiều nơi khác trên thế giới cũng có chung vấn đề này.

Có những dự định tương lai nào cho Bộ sưu tập RMIT?

M: Hầu hết tác phẩm đã được số hóa, và thời điểm này công nghệ cũng đã sẵn sàng để giúp scan 3D một số tác phẩm và vật thể chưa được số hóa.

E: Một trong những mục tiêu của chúng tôi là quảng bá rộng rãi hơn về bộ sưu tập và những nền tảng sẵn có – cho sinh viên, nhân viên của RMIT và cả công chúng – để mọi người có thể biết các tác phẩm đang ở đâu, làm thế nào để tiếp cận nơi đó. Chúng tôi mong rằng phiên bản triển lãm số sắp tới sẽ đóng góp cho mục tiêu đó.

M: Tôi rất vui mỗi khi ‘khám phá’ ra vị trí một tác phẩm trong khuôn viên trường, bởi có nhiều nơi chúng tôi không thường lui tới. Ví dụ như khu vực này [nơi chúng tôi đang ngồi trò chuyện] thường dành cho sinh viên cao học và các khóa đào tạo đặc biệt. Chúng tôi còn có kế hoạch sử dụng mã QR cho các tác phẩm thực thể để các em sinh viên có thể quét mã và đọc thêm thông tin nhanh hơn.

E: … Có tính tương tác hơn, và hấp dẫn hơn!

MICHAL TEAGUE là giảng viên Thiết kế, phụ trách chương trình Nghiên cứu Thiết kế mới ra mắt tại cơ sở Hà Nội của trường. Cô đảm nhiệm vai trò phụ trách chuyên môn chính tại Hà Nội cho Liên hoan Truyền thông & Thiết kế 2019. Trong 10 năm qua, Michal làm việc trong vai trò nhà giáo và người thực hành xuyên quốc gia trong lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế và truyền thông, ở khu vực Trung Đông và Việt Nam. Michal có bằng thạc sĩ về Nghệ thuật trong Không gian công cộng của Đại học RMIT Melbourne. Trước khi trở thành nhà giáo, cô có 10 năm kinh nghiệm điều hành một công ty thiết kế đồ họa tại Sydney, Úc. Các nghiên cứu và thực hành sáng tạo của cô tập trung vào thiết kế xã hội, ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo, không gian đô thị và đào tạo thiết kế xuyên quốc gia.

EMMA DUESTER là giảng viên Truyền thông. Cô làm việc tại RMIT Việt Nam từ năm 2019 và hiện giảng dạy các môn học nền tảng tại Khoa Truyền thông & Thiết kế. Emma cũng đang điều hành một nhóm nghiên cứu tìm hiểu về công tác số hóa trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật tại Hà Nội. Năm 2017, Emma có bằng Tiến sĩ về Truyền thông từ trường Goldsmiths, Đại học London. Cô cũng đã đảm nhiệm vị trí giảng viên tại Đại học Roehampton, Đại học Mỹ thuật London và tại Goldsmiths. Lĩnh vực nghiên cứu của Emma bao gồm các ngành công nghiệp sáng tạo, lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, công nghệ số và truyền thông xuyên quốc gia.

Phỏng vấn: Trần Duy Hưng
Ảnh chụp: Phan Đan
Ảnh tác phẩm do RMIT Việt Nam cung cấp
Thiết kế đồ họa: Rongchơi
Bản dịch tiếng Việt: Đinh Vũ Nhật Hồng

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép