Hội Những người bạn của Di sản Việt Nam đã đóng góp cho Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 hai sự kiện tôn vinh di sản văn hóa trong lòng thành phố Hà Nội, đó là khám phá di tích Hoàng thành Thăng Long và khu phố Yết Kiêu.
Hội Những người bạn của Di sản Việt Nam đã đóng góp cho Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 hai sự kiện tôn vinh di sản văn hóa trong lòng thành phố Hà Nội, đó là khám phá di tích Hoàng thành Thăng Long và khu phố Yết Kiêu.
Hội Những người bạn của Di sản Việt Nam đã đóng góp cho Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 hai sự kiện tôn vinh di sản văn hóa trong lòng thành phố Hà Nội, đó là khám phá di tích Hoàng thành Thăng Long và khu phố Yết Kiêu.
Điểm đặc biệt trong những chuyến du ngoạn của Hội Những người bạn của Di sản Việt Nam là sự tiếp nối sống động của những câu chuyện di sản. Trong các tour của FVH, chính khách tour cũng là người kể chuyện về thành phố. Họ chỉ ra những con ngõ bí mật, những hàng quán quen thuộc và câu chuyện của chúng, để rồi ở các chuyến đi tiếp theo, những người khách mới đến được nghe lại câu chuyện của người đi trước qua lời kể của hướng dẫn viên.
Để thấy được sự “khác biệt” đó của FVH, chúng ta hãy cùng điểm lại hai cuộc du ngoạn do Hội Những người bạn của Di sản Việt Nam tổ chức lần này.
Hoàng thành Thăng Long – các tầng lớp lịch sử
Đầu tiên là chuyến du ngoạn quanh Hoàng thành Thăng Long. Đây được cho là một địa chỉ quen thuộc, nhưng với sự chỉ dẫn tận tình cùng nhiều tài liệu, tranh ảnh rõ ràng, anh Alvaro Grana, một giáo viên Tây Ban Nha hiện đã sinh sống tại Việt Nam hơn một thập kỷ, đã cho chúng tôi thấy được nhiều điều đặc biệt, ngay cả đối với những người bản địa. Khi chuyến đi vừa mới bắt đầu, anh đã hào hứng chỉ tay về phía vườn hoa Lenin mà nói: “Các bạn có biết khu vực đằng kia ngày xưa là một hồ tắm cho voi không?”. Sau đó anh giới thiệu về Cột cờ Hà Nội, rằng Cột cờ từng được sử dụng như một đài thiên văn dưới triều Nguyễn, sau đó trở thành đài xem đua ngựa dưới thời Pháp thuộc (“cũng vì lý do đó mà nó không bị phá” – anh giải thích) và cuối cùng là minh chứng cho một Việt Nam độc lập khi lá cờ Việt Minh tung bay trên đỉnh tháp.
Bước vào khu vực Hoàng Thành, chúng tôi được hiểu thêm về sơ lược những biến động lịch sử đã xảy ra trong hơn 1000 năm, từ trước khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, về các lớp thành trì của các triều đại phong kiến. “Giờ đây, khu vực chúng ta đang đứng chỉ còn là một khu vực rất nhỏ, rất trung tâm của toà thành cổ. Còn cung điện ở phía bên kia kìa”, anh chỉ tay về phía bên kia đường Nguyễn Du, “trước đó, người ta định xây toà nhà Quốc hội ở đấy, nhưng vì tìm được nhiều cổ vật quan trọng nên đã dời đến vị trí như hiện tại”.
Vậy là câu chuyện của quá khứ không chỉ luôn ở trong quá khứ. Chúng ta không nhắc về nó như một việc từng xảy ra để cố tưởng tượng lại một cách thiếu khách quan. Những hình ảnh quá khứ luôn được nối tiếp trong hiện tại, ảnh hưởng đến những quyết định cơ bản của con người trong xã hội hiện tại. Việc xác định và bảo tồn những di tích, di sản, do đó cần có sự rành mạch nhưng vẫn cần có tính nối tiếp. Sự rành rõ này còn được thể hiện qua những cổ vật trong khu vực bảo tồn và cách kiến thiết lại những bức tường đá xung quanh Hoàng thành: “Tất cả những chỗ nào cần bảo tồn thì bảo tồn thật tốt, nhưng những chỗ nào mới thêm, sửa vào thì phải truyền thông rõ ràng là mới sửa, tái tạo, chứ không thể để chúng giả cổ, giống nhau”, anh Alvaro giải thích, rồi lại tiếp, “Một bạn khách đi tour Hoàng thành lần trước nói cho tôi biết đấy chứ!”.
Khi lên đến tầng thứ ba của Hoàng thành, anh Alvaro chỉ cho chúng tôi những điểm đặc biệt. Tại sao con rồng trên chóp tháp lại quay đầu vào trong chứ không hướng ra ngoài như con rồng trên mái, hiên đình chùa? Ấy là bởi vì, “mái này được làm bằng gỗ, mà những con rồng phương Đông, khác với rồng lửa phương Tây chúng tôi, đều tượng trưng cho nước, nên chúng sẽ hướng về phía mái nhả nước, một ẩn dụ cho việc chống cháy”, anh Alvaro nói. Vẫn tiếp tục về chuyện con rồng, anh lại hỏi, “thế các bạn Việt Nam có biết tại sao con rồng thời Lý, Trần, Lê, nhiều con có bốn móng, nhưng lại cũng có con ba móng không?”. Khi chúng tôi, những người Việt Nam đã học sử trên trường lớp, không thể trả lời được câu hỏi, anh mới bật cười: “đó là vì, ngày xưa khi ở gần Trung Hoa, chỉ có con rồng của Hoàng đế Trung Hoa mới được phép có bốn móng. Con rồng ở các quốc gia lân cận thì không. Thế nhưng, nhiều đời vua của các bạn (Việt Nam) vẫn cho làm rồng bốn móng như một cách phản kháng lại hình ảnh vương quyền của Trung Hoa, chứng tỏ sự độc lập của nước mình. Còn con rồng ba móng là cho quan lại và nhân dân sử dụng thôi! Các bạn phải tự hào về lịch sử của dân tộc mình đấy, rất kiên cường!”
Sự kiên cường này không chỉ thể hiện qua các cổ vật ở triều đại phong kiến. Khi đi tiếp về sau, chúng tôi được tiếp cận với Tổng hành dinh – Nhà D67 Khu A Bộ quốc phòng, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. Ở đây, những lãnh đạo Cách mạng đã bàn bạc và đưa ra những chính sách quan trọng như Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 hay Tổng tiến công năm 1972. Trong phòng họp, vẫn còn đó bảng tên đánh dấu chỗ ngồi của từng vị tướng, vị chỉ huy cùng nhiều kỷ vật quý báu từ hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Đặc biệt hơn nữa, dưới sở chỉ huy là một hệ thống hầm ngầm các phòng làm việc chuyên biệt cùng hệ thống thoát nước, thoát khí rất đồ sộ, phục vụ và chống chịu bom đạn thời chiến. Một vị khách nước ngoài cùng đoàn đã nhăn mặt: “Trời, sao các bạn có thể đi và sống trong những hầm ngầm thế này được! Thật gian nan quá!”.
Chuyến đi kết thúc bằng những nhận xét, trao đổi lịch sử về toàn bộ Hoàng thành. Nhiều bạn bè quốc tế cùng đoàn cho biết, dù họ đã ở đây tám năm, mười năm, nhưng họ “chưa bao giờ vào Hoàng thành, và giờ khi vào rồi thì hối hận vì chưa vào sớm hơn!”. Đặc biệt hơn nữa, nhiều bạn sinh viên người Việt, mới đến Hà Nội cũng rất thích chuyến du ngoạn. Bạn chia sẻ: “Lần đầu tiên mình được tiếp xúc gần với lịch sử như thế!”. Chuyến du ngoạn cũng rất nổi bật với hội phụ nữ nước ngoài tại Việt Nam, vì như chị Yumi Lee người Hàn Quốc chia sẻ chị “mới đến được hai tháng nhưng thông tin về Hội Những người bạn của Di sản Việt Nam đã được giới thiệu rất nhiều và rất thú vị”.
Chuyến đi Yết Kiêu “tràn đầy sức sống”
Ngược lại với chuyến du ngoạn quanh Hoàng thành Thăng Long, vốn đã là một hành trình “đặc sản” của FVH, chuyến du ngoạn quanh tuyến phố Yết Kiêu mới chỉ được tổ chức ba lần. Và chuyến du ngoạn này ngay lập tức kéo dài từ hai tiếng rưỡi thành… ba tiếng, bởi, đúng như triết lý của FVH, mỗi khách tham gia lại đóng góp những câu chuyện của mình vào trong câu chuyện chung của thành phố, của chuyến đi.
Lần này, chị Stella Ciorra là người dẫn tour. Khi mới gặp nhau ở bên ngoài Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, chị đã nói qua về những thăng trầm lịch sử trong khu vực này và quá trình kiến tạo của Cung văn hóa. Công trình Cung văn hoá được xây dựng trên nền Nhà Đấu xảo Hà Nội, nơi diễn ra nhiều triển lãm, hội chợ trong thời Pháp thuộc và bị bom đánh phá trong Thế Chiến II. Một kiến trúc sư người Anh đi cùng đã nhận xét toà nhà “có rất nhiều nét Xô Viết”. Chị Stella cũng nhận xét, “đó là điểm chung của nhiều toà nhà quanh đây. Phía đường bên kia có Khách sạn Công đoàn, vào trong khu đó như quay trở lại những nước Xô Viết thập kỷ 80 vậy!”. Chị cũng cho biết thêm về một quá trình lịch sử từ thời Pháp thuộc, rằng đây ngày xưa là những đầm lầy bỏ hoang, chỉ khi người Pháp đến, nạo vét đi mới hết.
Chuyến du ngoạn đi theo vòng kim đồng hồ theo đường Trần Bình Trọng. Chúng tôi dừng lại ở đền Ngọc Liên, nơi thờ thánh Tản Viên và được chị Stella thuật lại câu chuyện về Tản Viên. Cô bạn du học sinh từ Anh mới về, chuyên ngành Sử, cũng thêm thắt những thông tin bên lề về thời đại Hùng Vương, về truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tứ bất tử cho các vị khách nước ngoài.
Ở hồ Thiền Quang, chúng tôi được nghe về lịch sử kiến tạo của hồ và đặc biệt hơn hết là những huyền thoại có phần ma quái ở đây. Chị Stella bảo, “hãy chú ý gốc cây số 54 kia kìa, ở đó người ta đồn rằng có ma đấy!”. Dù giữa ban ngày, những thông tin đó không khỏi làm chúng tôi có chút lo lắng. Tuy thế, chị cũng tiếp tục những câu chuyện vui về đàn thiên nga quanh hồ Gươm được chuyển về đây, hay về ý nghĩa của tên hồ, tức là “đạo sáng”, ánh sáng của thiền.
Những câu chuyện của chúng tôi vắt dài qua những con phố, vì thế dù đã gần trưa nhưng chẳng ai thấy mệt. Khi đi qua phố Đỗ Hành, chị bỗng dừng lại, mặt sáng lên, chỉ tay vào một quán cafe nhỏ và nói:
“Có cô bạn này nhà ở Hoà Mã tham gia chuyến đi quanh Yết Kiêu lần trước của chúng tôi. Đi đến đây, cô la lên, “A đây rồi!”. Hoá ra đó là một quán cafe quen, gần nhà cô ngày trước. Điều đặc biệt nhất chính là người chủ quán thích sưu tập đồng hồ. Bên trong quán có la liệt đủ loại đồng hồ khác nhau. Vậy là cô bạn đó tìm được người bạn cũ, còn tôi lại có một địa chỉ và câu chuyện cho các chuyến đi tiếp theo! Quán cafe đó đây này!”
Rồi chị tiếp ngay, “ôi nhưng ta chẳng có thời gian vào đây đâu! Ta sẽ bị cuốn vào đó cả tiếng mất! Nhưng mà hay lắm, nếu có dịp, các bạn nên đến đây!”.
Đó là một trải nghiệm khẳng định rõ ràng quan điểm kể chuyện của FVH nhất, một sự kết nối liên tục những câu chuyện quá khứ và hiện tại. Những câu chuyện tiếp tục trên con phố Yết Kiêu, đặc biệt khi có một vị khách kể rằng, bố mẹ của anh đã gặp nhau tại hàng bánh mì đằng kia, khi bố anh còn học tại Đại học Mỹ thuật.
Khi đến trường Mỹ thuật, chị Stella đã kể lại toàn bộ lịch sử trường, từ khi được dựng lên với cái tên École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine bởi hai hoạ sĩ Victor Tardieu và Nam Sơn. Cô nói: “Victor Tardieu thì học hành chuyên nghiệp theo kiểu phương Tây, Nam Sơn lại tự học và tập trung vào các yếu tố Á Đông. Hai người họ bổ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, khiến trường có nhiều đột phá mới, đặc biệt là những khám phá về tranh sơn mài, một nghệ thuật rất đặc biệt của Việt Nam”. Những câu chuyện về sơn mài đã được chia sẻ rõ ràng và cụ thể hơn tại một chuyến đi khác của FVH.
Chúng tôi cũng được tham quan khu nhà cũ, nơi Victor Tardieu từng sống và làm việc. Sau đó, vòng qua phố Lê Duẩn, chúng tôi lại được thấy một phần khác của toà nhà: ẩn trong con ngõ cũ là cánh cổng rất đặc biệt do chính Tardieu thiết kế, dù đã bị phá bỏ nhưng vẫn còn những dấu ấn riêng.
Chuyến đi kết thúc lúc 13:30, quá giờ dự tính tới nửa tiếng. Vậy mà chẳng có ai mệt mỏi cả. Việc chia sẻ những câu chuyện và lắng nghe câu chuyện khác của mỗi người khiến ai trong chúng tôi cũng hào hứng, muốn tự viết tiếp những câu chuyện của riêng mình. Anh Alex, một vị khách mới ra Hà Nội, cho biết: “Tôi luôn tưởng Hà nội chỉ có các khu phố cổ là độc đáo, ai ngờ cả những tuyến phố khác cũng đầy những câu chuyện”. Chị Thanh, một vị khách khác cũng chia sẻ: “Dù mình là người Việt Nam đấy, nhưng đi chuyến này cũng học hỏi được rất nhiều điều mới lạ. Đặc biệt, ở Hà Nội, ai ai cũng tràn đầy sức sống”.
Lời kết
Hai chuyến đi trong khuôn khổ Liên hoan đã khép lại, nhưng vẫn còn đó những chuyến đi tiếp theo của FVH và những câu chuyện sẽ được kể ra. Triết lý của FVH trong việc bảo tồn di sản văn hoá ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung luôn độc đáo, đặc sắc cũng vì lẽ đó. Thay vì tập trung vào những vấn đề học thuật như giai đoạn đầu thành lập, giờ đây, những chuyến du ngoạn đã gần gũi hơn, sống động hơn và gắn liền với từng cá nhân trong thành phố, để ta thêm hiểu và thêm yêu những điều gần gũi, những di sản chung quanh.
Nhiều người tưởng chúng tôi bảo tồn di sản hữu hình qua các hoạt động trực tiếp, nhưng thật ra FVH không làm vậy. Chúng tôi kể lại những câu chuyện, chúng tôi giữ cho những di sản sống. Điều đó càng ngày càng khó khăn hơn
Bài viết: Đinh Nguyễn
Đồ họa: Rongchơi
Ảnh chụp: Đan
Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng
Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.