Cùng tìm hiểu về một hướng tiếp cận đột phá được kỳ vọng giúp tăng tính bền vững cho nhiều ngành công nghiệp tại Việt Nam
Cùng tìm hiểu về một hướng tiếp cận đột phá được kỳ vọng giúp tăng tính bền vững cho nhiều ngành công nghiệp tại Việt Nam
Cùng tìm hiểu về một hướng tiếp cận đột phá được kỳ vọng giúp tăng tính bền vững cho nhiều ngành công nghiệp tại Việt Nam
Khi xem website của ICM Falk Foundation, tôi bắt gặp một hoạ đồ “infographic” với một thông tin gợi tò mò: gia vị mì ăn liền đựng bên trong những mảnh phim trong suốt – ngoài chức năng vốn có như những sản phẩm cùng loại dùng trong ngành thực phẩm, loại bao bì trong hình còn có thể ăn được. Làm từ nguyên liệu phân hủy sinh học và được đặt tên EdiFilm, sản phẩm này do năm sinh viên trường Đại học Bách khoa TP HCM thiết kế; họ lập thành một nhóm tham dự cuộc thi Bách Khoa Innovation năm nay và đã tiến vào đến vòng chung kết sắp diễn ra. Nhóm bạn cũng nhận được sự hỗ trợ từ ICM như những “Circular Hero” (tạm dịch: Người hùng Tuần hoàn) – những nhóm và cá nhân có đóng góp cho sáng kiến đổi mới thượng nguồn và thực hành tuần hoàn tại Việt Nam.
Việc suy nghĩ về những điều mang tính đời thường, như bao bì mì ăn liền, hóa ra lại là một cách tốt để giúp minh họa các khái niệm tưởng chừng vĩ mô như đổi mới thượng nguồn và thực hành tuần hoàn: EdiFilm đã có những “can thiệp” mang tính sáng tạo trong giai đoạn thiết kế sản phẩm, giúp cho phần bao bì – khi nhúng vào nước sôi cùng với mì – sẽ hòa tan hoàn toàn và có thể ăn được. Quá trình này đồng thời mô phỏng các vòng tuần hoàn trong thiên nhiên – hầu hết sinh vật kết thúc vòng đời của mình bằng việc phân rã và trở thành một phần của những sinh vật khác, qua đó giúp chu kỳ của sự sống có thể được tiếp tục (tới đây tôi nghĩ đến một “Circular Hero” khác mà ICM hỗ trợ: nhóm sinh viên có tên The Blastic, sản xuất các sản phẩm từ nhựa sinh học – chẳng hạn như một loại túi ươm cây có thể phân hủy trong đất và giúp đất được màu mỡ hơn).
Nhựa phân hủy sinh học, bao bì thực phẩm ăn được và khái niệm vòng đời tuần hoàn nói chung đã được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều mặt của cuộc sống hàng ngày ở một số quốc gia khác, nhưng ở Việt Nam đây vẫn là những điều hiếm gặp.
Chính trong địa hạt này, các tổ chức như ICM Falk Foundation có một vai trò hỗ trợ cần thiết. Là một quỹ tư nhân mang tính chất gia đình được thành lập tại Mỹ, ICM hành động theo các chiến lược riêng được thiết kế dựa kết quả và dữ kiện thực tế. Họ hoạt động tại Việt Nam từ năm 2020 nhằm giúp giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và môi trường qua các giải pháp gắn kết chặt chẽ với yếu tố địa phương. The Blastic và EdiFilm là hai trong số các nhóm/tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ từ ICM để hiện thực hóa các ý tưởng sản phẩm.
Vậy nên, sự hiện diện của một tọa đàm về thực hành tuần hoàn tại VFCD 2021 là một hoạt động đúng thời điểm, cộng hưởng với bản thân chủ đề “Tương lai Sáng tạo” của Liên hoan năm nay – trong trường hợp cụ thể này, yếu tố “sáng tạo” được thể hiện qua những đột phá và sức tưởng tượng dồi dào trong các sản phẩm; còn “tương lai” nói đến những ý tưởng và tiềm năng lớn vẫn còn chưa có điều kiện phát triển đúng mức.
“Sinh viên thường có rất nhiều ý tưởng hay liên quan đến thực hành tuần hoàn, nhưng lại thiếu nguồn vốn và cơ hội mở rộng mạng lưới – hai yếu tố thiếu hụt có ảnh hưởng rất lớn. Điều quan trọng là làm thế nào chúng ta có thể thay đổi tư duy về mô hình kinh doanh và tiêu dùng. Chúng tôi tìm cách giúp các em biến một mô hình được phát triển/thí nghiệm tương đối trở thành một dự án khởi nghiệp, một doanh nghiệp thực thụ có thể tiếp tục phát triển bền vững ở quy mô lớn hơn.” – Tiphaine Pham, Cố vấn Chiến lược và Chương trình của ICM Falk Foundation, chia sẻ.
Trước thềm buổi thảo luận do ICM tổ chức tại VFCD 2021 cùng Behalf Studio, tôi trò chuyện cùng Tiphaine về bối cảnh của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, các bên liên quan, những tiềm năng và thử thách, cũng như những sự hỗ trợ mà tổ chức này mang đến.
Sinh viên thường có rất nhiều ý tưởng hay liên quan đến thực hành tuần hoàn, nhưng lại thiếu nguồn vốn và cơ hội mở rộng mạng lưới – hai yếu tố thiếu hụt có ảnh hưởng rất lớn.. Chúng tôi tìm cách giúp các em biến một mô hình được phát triển/thí nghiệm tương đối trở thành một dự án khởi nghiệp, một doanh nghiệp thực thụ có thể tiếp tục phát triển bền vững ở quy mô lớn hơn.
Được biết ICM có cam kết chặt chẽ với Việt Nam trong nỗ lực giải quyết các vấn đề về môi trường, vậy cam kết này đã được hiện thực hóa qua những hoạt động nào?
TIPHAINE PHAM: Mô hình kinh tế tuần hoàn là một phương pháp tiếp cận phù hợp và đột phá, giúp chúng tôi giải quyết các vấn đề trọng tâm; với mô hình này, chúng tôi tập trung vào phần thượng nguồn – một phân ngành mới, toàn diện và đang phát triển, xoay quanh các biện pháp phòng ngừa. Các biện pháp tái chế – tương ứng với phần hạ nguồn – đòi hỏi rất nhiều tiềm lực tài chính và nhân lực. Chúng ta cần thiết kế các sản phẩm, dịch vụ và công việc kinh doanh theo một cách hiệu quả và kỹ càng hơn để có thể loại bỏ hoặc có phương án tái chế rác thải ngay từ đầu – đây là lí do vì sao chúng tôi tập trung vào các giải pháp sáng tạo thượng nguồn, dựa trên những hoạt động tiên phong của Quỹ Ellen Macarthur, và cũng là lí do yếu tố thiết kế đóng vai trò rất quan trọng trong mô hình tuần hoàn.
Công việc của ICM tại Việt Nam hiện được chia thành ba mảng chính. Thứ nhất là Knowledge Hub (tạm dịch: Cổng tri thức), qua đó chúng tôi tập hợp và chia sẻ nội dung và kiến thức xoay quanh đổi mới tuần hoàn, đổi mới thượng nguồn, các biện pháp và mô hình kinh doanh sáng tạo nhằm giảm thiểu rác thải. Mảng thứ hai là Circularity Ecosystem (Hệ sinh thái Tuần hoàn): nâng cao nhận thức nhằm xây dựng năng lực và phổ biến cho sinh viên về kinh tế tuần hoàn và cách các bên liên quan trong lĩnh vực công và tư tại Việt Nam có thể đổi mới dựa vào tư duy tuần hoàn. Mảng thứ ba là Upstream Venture Lab (Không gian Thử nghiệm Khởi nghiệp Thượng nguồn), trong đó chúng tôi nỗ lực hỗ trợ những nhà sáng tạo trẻ qua các khoản tài trợ, giúp họ phát triển Sản phẩm Khả thi Tối thiểu (MVP) và mở rộng các mối quan hệ.
Chị có thể giới thiệu qua về cộng đồng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam? Chính phủ Việt Nam nghĩ gì về phương pháp tiếp cận tuần hoàn?
Ở tầm vĩ mô, Việt Nam đang có nhiều trông đợi chuyển đổi kinh tế tuần hoàn và dùng mô hình này để xây dựng một nền kinh tế vững vàng hơn. Tôi được biết có một dự án với tên gọi Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam được UNDP (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc) thiết kế và sắp ra mắt. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này, bởi họ hiểu rõ biến đổi khí hậu đang có những tác động tồi tệ như thế nào đối với đất nước, và nền kinh tế tuần hoàn có thể đóng góp vào các nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu.
Nhưng mối quan tâm đó được thể hiện như thế nào trong các dự án thực tế? Có nhiều sản phẩm rất sáng tạo ứng dụng các nguyên liệu thô như bã cà phê, rơm rạ, cỏ, bã mía, etc. – nhưng công chúng nói chung chưa nhận thức và hiểu rõ được tiềm năng của chúng.
Lĩnh vực “thượng nguồn” tại Việt Nam vẫn còn đang rất non trẻ. Các ý tưởng đổi mới sáng tạo “chết” trước cả khi chúng có cơ hội được thương mại hóa và đạt được sự tăng trưởng tài chính vững chãi. Dù có một vài dự án sáng tạo tham dự các cuộc thi quốc tế, nhưng thật đáng tiếc, đó thường là điểm dừng của các dự án này. Đối với các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn trong mảng kinh tế tuần hoàn, tôi nghĩ điểm mấu chốt họ còn thiếu là các lựa chọn khác (và mang tính sáng tạo hơn) về nguồn vốn. Hiện nay có rất nhiều cách để gọi vốn, và Quỹ chúng tôi đặt mục tiêu trở thành một quỹ đầu tư mạo hiểm kiểu mới cho các doanh nghiệp có ảnh hưởng đến môi trường, có thể được miêu tả như một dạng ‘thiện nguyện mạo hiểm’. Ta có thể thấy rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và quỹ ngân hàng truyền thống đang hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp mang tính tác động chưa được hiểu rõ tại Việt Nam. Có những tổ chức hoạt động chỉ với mục đích giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, và họ sẵn lòng lắng nghe các ý tưởng từ những doanh nghiệp cần được hỗ trợ.
Trong năm 2021, ICM bắt đầu hỗ trợ vốn cho các dự án nhỏ, là sự tiếp nối của hoạt động hoạch định chương trình chiến lược trong năm 2020. Năm nay chúng tôi đã hỗ trợ vốn cho bốn dự án chính, đồng thời đang cân nhắc một dự án liên quan đến nghiên cứu. Các dự án này chủ yếu liên quan đến hoạt động hỗ trợ của ICM trong mảng chương trình Hệ sinh thái Tuần hoàn, và ba trong số đó là của các doanh nhân trẻ. Chúng tôi cũng hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm hơn, hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp đang trong quá trình hình thành. Không chỉ cung cấp vốn, chúng tôi còn muốn đầu tư vào các tài năng tương lai, sự đổi mới sáng tạo, và đặc biệt là tinh thần khởi nghiệp.
Vậy còn về sự kiện ICM sẽ tổ chức tại VFCD thì sao, chị có thể chia sẻ về các diễn giả và vì sao nhóm tổ chức lại mời họ?
Đầu tiên là Vũ Hoàng Anh, được giới thiệu bởi Behalf Studio – đối tác tổ chức của chúng tôi cho sự kiện này. Hoàng Anh thiết kế sản phẩm cho khách hàng từ phân khúc cao và sẽ chia sẻ về thiết kế sinh thái qua góc nhìn của một người thiết kế sản phẩm, cách tìm những nguồn nguyên liệu tốt hơn hay để trở nên có trách nhiệm hơn trong quá trình thiết kế, cũng như quanh khái niệm ‘lao động hợp đạo đức’.
Diễn giả thứ hai là Lindsay Nutley từ Tập đoàn QLM, một doanh nghiệp chuyên thiết kế và sản xuất nhãn mác và bao bì. Anh ấy sẽ chia sẻ về phương thức tiếp cận thiết kế tuần hoàn trong bối cảnh một ngành công nghiệp, và hướng áp dụng yếu tố tuần hoàn ở những quy mô lớn hơn. Nếu như Vũ Hoàng Anh tập trung vào những phân khúc ngách của thị trường, Lindsay quen với những quy mô sản xuất lớn; và do đó với việc mời hai diễn giả như vậy, chúng tôi có thể cho khán giả thấy được phạm vi áp dụng của thiết kế tuần hoàn, đồng thời minh họa những khác biệt giữa các quy trình thiết kế tương ứng.
Diễn giả thứ ba tới từ mạng lưới các nhóm nhận hỗ trợ từ ICM: Tiến sĩ Kasia Weina từ Evergreen Labs, quỹ đầu tư xây dựng xã hội chuyên hoạt động trong mảng nông nghiệp bền vững và xử lý chất thải. Họ tập trung vào các loại nhựa giá rẻ – những thứ thường sẽ bị đưa vào bãi chôn lấp hoặc đem đốt – và đã thành công trong việc triển khai một giải pháp tại Đà Nẵng và Hội An xoay quanh công tác tái chế các loại nhựa giá rẻ thành các sản phẩm có thể sử dụng/tái sử dụng vĩnh viễn. Tiến sĩ Weina sẽ giúp khán giả rõ hơn về cách chúng ta có thể đóng lại vòng lặp vật chất, cách để đổi mới suy nghĩ qua góc nhìn toàn cảnh, để qua đó giúp các quy trình chúng ta đang thực hiện mang tính tuần hoàn hơn.
Chúng tôi mời các diễn giả này – một nhà thiết kế, một nhà sản xuất và một doanh nhân tạo ảnh hưởng – bởi cùng với nhau họ thể hiện được chính xác khái niệm thiết kế tuần hoàn: dạng thiết kế bền lâu, sáng tạo và đẹp mắt, đồng thời được sản xuất (và sẽ kết thúc vòng đời) theo những quy trình có trách nhiệm với môi trường. Cả ba diễn giả đều làm việc theo các nguyên tắc cơ bản của tính tuần hoàn, và thông qua cuộc trò chuyện của họ, chúng ta sẽ thấy được mối liên quan giữa những nguyên tắc này.
Qua sự kiện này, chúng tôi muốn bắt đầu các thảo luận và hướng đến khởi xướng một cộng đồng về tuần hoàn ở TP. HCM, cũng như kết nối các bên liên quan – như sinh viên, người làm thiết kế hay khởi nghiệp – để họ có thể hợp tác cùng nhau. Đây là mục tiêu ban đầu chúng tôi đặt ra cùng Giang Nguyễn từ Behalf Studio.
Như chị đã nhắc đến và tôi cũng muốn hỏi thêm: việc cân bằng giữa một thiết kế chất lượng và (trong tình huống lý tưởng) một quy trình sản xuất mang tính bền vững, liệu có phải là một bài toán khó?
Cực kỳ khó, bởi sản phẩm rẻ thì không bền, và sản phẩm không bền thì sẽ dễ dàng người ta bị vứt bỏ mà không nghĩ ngợi gì. Chẳng hạn, bạn sẽ làm thế nào để vứt bỏ một chiếc bàn làm từ gỗ ép hoặc kim loại rẻ tiền? Bạn sẽ bán nó với giá rẻ hoặc nó sẽ được bỏ trước cửa nhà, và rồi bạn không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.
Bài toán về việc làm thế nào để nhân rộng tính tuần hoàn sẵn đã rất khó giải đáp đối với người tiêu dùng Việt Nam, và còn khó hơn đối với những người làm thiết kế. Họ cần hiểu họ đang sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm nào, hoặc liệu quy trình sản xuất có trách nhiệm về mặt môi trường hay không. Nếu có chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất thì chất thải đó sẽ đi đâu, có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động không? Nó có tiết kiệm năng lượng không? Và sau đó, làm sao để đảm bảo người tiêu dùng sẽ sử dụng sản phẩm của bạn trong thời gian lâu dài?
Người làm thiết kế sẽ không một mình tìm ra được giải pháp, vậy nên cần phải có thay đổi toàn hệ thống về mặt tư duy, và các bên liên quan cần phải làm việc cùng nhau để hoàn thiện bức tranh toàn cảnh. Ngoài ra, có một câu hỏi thường trực về giá thành của một sản phẩm tuần hoàn; về chủ đề này, tôi nghĩ các diễn giả của chúng ta sẽ có nhiều thảo luận thú vị.
Đối với ICM, với tư cách là một quỹ và là một tổ chức hỗ trợ, một sản phẩm tuần hoàn chất lượng là sản phẩm luôn có khả năng cạnh tranh hiệu quả với sản phẩm truyền thống, cả về mặt chức năng hoặc sự thuận tiện trong sử dụng, và đặc biệt là giá thành, nhưng đồng thời cũng mang lại giá trị xoay quanh tác động tích cực và rõ ràng đến môi trường.
Ở góc độ cá nhân, chị có thể đưa ra một ví dụ về điều ta có thể làm để áp dụng tư duy tuần hoàn vào đời sống thường ngày?
Tôi rất thích refill – mang theo đồ đựng khi cần mua đồ mang về chẳng hạn. Tôi đã thử áp dụng trong khu tôi sống và thật ra những người bán hàng rất ủng hộ mô hình này – hàng phở hay quán cà phê gần nhà đều biết tên tôi, vì tôi luôn mang đồ đựng theo khi tới cửa hàng. Nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận mô hình refill – đây là điều chúng tôi đang cố gắng giải quyết với các doanh nhân khởi nghiệp tại địa phương.
Cũng nên nhìn nhận rằng, chúng ta thuộc nhóm kinh tế–xã hội có nhiều điều kiện hơn để suy ngẫm về những điều này. Với những thiệt hại mà Covid-19 đã gây ra cho rất nhiều người dân, chúng ta cần nhận thức rằng bảo vệ môi trường, tái chế và tái sử dụng rác thải sẽ không phải là ưu tiên với những người chưa có điều kiện cho những công việc này. Để tâm tới tính bao trùm trong khía cạnh kinh tế cũng là một phần của tư duy kinh tế tuần hoàn.
Hiện tại ICM đang chủ yếu tập trung vào các hoạt động ở TP HCM và Hà Nội, liệu ICM có kế hoạch hợp tác với các nhóm và tổ chức tại tỉnh thành khác ở Việt Nam không?
Hiện tại TP HCM và Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học hàng đầu cũng như nhiều tổ chức hỗ trợ cho các dự án tuần hoàn hoặc có tác động tới môi trường, cũng là nơi mà các giải pháp thực tế được tìm thấy và phát triển. Tuy vậy, các ý tưởng hay cũng đến từ nhiều nơi khác – chúng tôi sẵn lòng giúp đỡ họ và sẵn lòng đồng hành cùng các đối tác có khả năng tạo ảnh hưởng và các nhà tài trợ tâm huyết với việc giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu thông qua các giải pháp đặt yếu tố địa phương ở trung tâm.
Với những thiệt hại mà Covid-19 đã gây ra cho rất nhiều người dân, chúng ta cần nhận thức rằng bảo vệ môi trường, tái chế và tái sử dụng rác thải sẽ không phải là ưu tiên với những người chưa có điều kiện cho những công việc này. Để tâm tới tính bao trùm trong khía cạnh kinh tế cũng là một phần của tư duy kinh tế tuần hoàn.
VỀ ICM FALK FOUNDATION: Với bề dày thành tựu trong đổi mới sáng tạo, Quỹ Ida C. and Morris Falk Foundation (ICM Falk Foundation) mang sứ mệnh hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp và năng lực lãnh đạo nhằm kiến tạo những tác động tích cực, bình đẳng và bền vững cho các cộng đồng và hệ sinh thái trên toàn thế giới. Trên tinh thần do người sáng lập đề ra, tổ chức tư nhân phi lợi nhuận này hiện tập trung hoạt động tại Việt Nam nhằm hỗ trợ quá trình dịch chuyển sang một nền Kinh tế tuần hoàn tại địa phương. ICM Falk Foundation ủng hộ, hỗ trợ và cung cấp các khoản tài trợ cho các sáng kiến đổi mới thượng nguồn hướng tới tuần hoàn rác thải trong ba lĩnh vực chính: Hàng tiêu dùng nhanh, thời trang và hệ thống thực phẩm.
Phỏng vấn: HDT
Đồ họa: Rongchơi
Bản dịch tiếng Việt: Đinh Vũ Nhật Hồng
Ảnh bìa: Túi ươm cây phân hủy sinh học do The Blastic thiết kế, cung cấp bởi The Blastic & ICM Falk Foundation
Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2021 khi chia sẻ bài viết
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép