Hội thảo
DIỄN ĐÀN LƯU TRỮ NGHỆ THUẬT & THIẾT KẾ VIỆT NAM (VADA FORUM)
09:00–12:00
09.11.2021
Nền tảng: Zoom webinar
Ngôn ngữ: Tiếng Anh, có phiên dịch tiếng Việt
*
Tổ chức bởi Đại học RMIT Việt Nam, Diễn đàn Lưu trữ Nghệ thuật & Thiết kế Việt Nam (VADA Forum) quy tụ những nhân tố chủ chốt tại Việt Nam và nước ngoài để cùng bàn luận về việc thiết lập một kho lưu trữ số. Các bên tham gia sẽ cùng cập nhật thông tin về công tác phát triển lữu trữ trong nước và quốc tế trong năm vừa qua. Diễn đàn sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến tính bền vững của ngành như thương mại hóa, kêu gọi nguồn lực từ cộng đồng, các phương pháp số hóa tối ưu, khả năng tiếp cận các bộ sưu tập vì mục đích giáo dục, nghien cứu, du lịch văn hóa và xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Ở một tương lai thông minh, Việt Nam cần một nền tảng số chung, bền vững và dễ tiếp cận để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và thiết kế đương đại có tầm ảnh hưởng. Nền tảng này sẽ đem lại lợi ích và có thể được công chúng trong và ngoài nước, các chuyên gia văn hóa, giáo dục và nhà nghiên cứu sử dụng, thu hút khán giả trẻ và thúc đẩy sự phát triển thông minh của ngành văn hóa, sáng tạo và thiết kế tại Việt Nam.
*
DIỄN GIẢ
Nguyễn Anh Tuấn là giám tuyển độc lập và nhà quản lý nghệ thuật làm việc tại Hà Nội. Anh từng làm điều hành Không gian Lưu trú nghệ sỹ quốc tế Mường AIR của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, Hòa Bình (2012 – 2016), và Giám đốc khu vực của tổ chức Indochina Arts Partnership (2016 – 2019). Hiện anh là Giám đốc Nghệ thuật của Heritage Space – tổ chức nghệ thuật độc lập tại Hà Nội từ năm 2016, và chịu trách nhiệm cho các chương trình văn hóa-nghệ thuật của trung tâm từ đó đến nay. Nguyễn Anh Tuấn có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường nghệ thuật và sáng tạo, tham gia vào việc khởi xướng và điều hành nhiều dự án nghệ thuật đa ngành có quy mô lớn đến nhỏ.
PGS.TS Lê Thanh Hà hiện là Trưởng phòng Thí nghiệm Tương tác Người – Máy (PTNTTNM), ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. Với nền tảng kinh nghiệm được đào tạo về chuyên ngành xử lý tín hiệu và truyền thông đa phương tiện, anh và các đồng nghiệp tại PTNTTNM đã và đang tham gia xây dựng và phát triển một số dự án, ứng dụng hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam như: website Disanso.vn với một cơ sở dữ liệu đa phương tiện về văn hóa Việt Nam, gồm các dạng thức tư liệu hình ảnh, âm thanh, video 2D, video 3D..; hay ứng dụng Trealet để hỗ trợ tương tác, khám phá tri thức văn hóa nghệ thuật.
DIỄN GIẢ TRONG PHIÊN THẢO LUẬN
Ts. Trần Việt Hoa đã tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội, có bằng thạc sĩ Hành chính công châu Âu tại ĐH Leuven (Bỉ) và bằng Tiến sĩ Hành chính công tại Học viện Hành chính quốc gia. Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III từ tháng 9 năm 2014, bà cùng các đồng nghiệp luôn quan tâm tới công tác sưu tầm tài liệu lưu trữ để lưu giữ cho thế hệ sau và mong muốn có nhiều phương thức đổi mới, sáng tạo để đưa tài liệu lưu trữ đến gần với công chúng.
Thạc sĩ Nguyễn Hải Vân giữ cương vị giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ năm 2018 đến nay. Bà đã chủ nhiệm và tham gia nghiên cứu nhiều công trình khoa học về đề tài phụ nữ: Phụ nữ các dân tộc nhóm ngôn ngữ Mông –Dao với việc bảo tồn các giá trị văn hoá gia đình truyền thống; Phụ nữ Việt Nam trong công tác Giao thông liên lạc; Nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn… Bà cũng chịu trách nhiệm tổ chức nhiều trưng bày chuyên đề: Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm – Đẹp – Vui; Phụ nữ đơn thân Tân Minh; Đêm sáng.. Bên cạnh đó bà cũng đã tham gia tư vấn nhiều công trình xây dựng, nhà truyền thống, đồng thời chịu trách nhiệm nội dung cuốn sách ảnh: “Phụ nữ Việt Nam, những khoảnh khắc” vừa ra mắt nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Richard Streitmatter-Tran là một nghệ sĩ sống và làm việc tại TP HCM, Việt Nam. Anh tốt nghiệp Cử nhân Thực hành Studio Đa phương tiện (the Studio for Interrelated Media) tại Đại học Nghệ thuật Massachusetts (Boston, Mỹ). Các tác phẩm cá nhân hoặc hợp tác của anh đã xuất hiện ở nhiều triển lãm và trưng bày quốc tế, như tại Thailand Biennale (2018), Palais de Tokyo (2015), Venice Biennale lần thứ 52 (2007) v..v.. Từ 2006 đến 2015 Richard là Giảng viên cấp cao tại Đại học RMIT Việt Nam. Năm 2020 anh bắt đầu khóa Thạc sĩ Nghiên cứu về Nghệ thuật ứng dụng tại Đại học Tôn Đức Thắng, đồng thời trở thành Giảng viên của Khoa Thiết kế và Nghệ thuật (FADA) của Đại học Hoa Sen (cả hai trường đều tại TP HCM).
TS. Tammy Wong Hulbert là một nghệ sĩ, giám tuyển và học giả hiện đang sinh sống tại Melbourne, Australia. Thực hành nghệ thuật của cô tập trung vào những mảnh kết nối đa tầng giữa các nền văn hóa, ảnh hưởng từ mối liên kết đa thế hệ từ gia đình Trung Quốc – Úc của cô. Những dự án nghiên cứu gần đây của cô xoay quanh việc ‘giám tuyển các thành phố mang tính hòa nhập’, thường có sự tham gia của nhiều cộng đồng dân cư đô thị, chạm vào những vấn đề về di cư, cảm thức về sự thuộc về, và vai trò của nghệ thuật trong việc thúc đẩy một thành phố hòa nhập. Tammy đã từng tham gia giảng dạy về nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật và quản lý văn hóa-nghệ thuật tại Melbourne và Hong Kong (Đại học RMIT và Đại học Melbourne).
Trương Uyên Ly là nhà nghiên cứu độc lập về Không gian sáng tạo Việt Nam từ năm 2014 đến nay. Chị đang đảm nhiệm vai trò Giám đốc Hanoi Grapevine.com – không gian sáng tạo trực tuyến trên trang web và mạng xã hội song ngữ Anh Việt về các hoạt động văn hóa nghệ thuật đương đại. Chị đừng là phóng viên theo dõi văn hóa nghệ thuật và các vấn đề hậu chiến ở báo Tuổi Trẻ từ năm 2001 đến năm 2009. Năm 2005 chị đoạt giải A Báo chí quốc gia cho loạt bài tường thuật về sự kiện Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Chị từng là đồng giám khảo Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hóa Việt Nam – Đan Mạch (2008-2013).
*
VỀ ĐẠI HỌC RMIT VIỆT NAM
Đại học RMIT Việt Nam được thành lập năm 2000 và đã phát triển thành trường đại học hàng đầu trong khu vực với hai cơ sở được trang bị những tiện nghi cho học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, và một trung tâm tiếng Anh tại Đà Nẵng. Với các chương trình học về kinh doanh, công nghệ, truyền thông, thiết kế, thời trang và ngôn ngữ, RMIT là một trong những đơn vị giáo dục bậc cao tiên phong cung cấp nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp sáng tạo cũng như tham gia giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp và cộng đồng.