fbpx

1648kilomet – Nghệ thuật gieo niềm vui “từ tôi đến bạn”

Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 có một workshop rất nhân văn được tổ chức bởi 1648kilomet. Người tham gia được trải nghiệm sáng tạo từ câu chuyện của chính mình, sử dụng ngôn ngữ chuyển động, vẽ kể chuyện để khám phá và bày tỏ bản thân. Workshop ấy có tên “Nghê thuật cho mọi người”.

Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 có một workshop rất nhân văn được tổ chức bởi 1648kilomet. Người tham gia được trải nghiệm sáng tạo từ câu chuyện của chính mình, sử dụng ngôn ngữ chuyển động, vẽ kể chuyện để khám phá và bày tỏ bản thân. Workshop ấy có tên “Nghê thuật cho mọi người”.

1648kilomet là…

1648kilomet là tổ chức được sáng lập bởi biên đạo, diễn viên múa Vũ Ngọc Khải cùng nhà sản xuất Văn Quý Ngọc Ái vào đầu năm 2016. 1648 kilomet là chiều dài của Việt Nam theo đường chim bay. Đây là con số “hiếm” mà hai nhà sáng lập đã may mắn tìm thấy trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu về lịch sử văn hoá Việt Nam. 1648kilomet tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong hai mảng chính: dàn dựng và sản xuất nghệ thuật chuyên nghiệp, và làm việc với cộng đồng, lưu tâm nhiều đến những người có hoàn cảnh đặc biệt. 

Theo Vũ Ngọc Khải, ý tưởng về dự án Nghệ thuật cho mọi người được hình thành khá tình cờ từ khoảng 4 năm trước, khi anh có thực hiện workshop cho học sinh trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Qua workshop này, anh nhận ra sự đồng cảm rất lớn của người nghệ sĩ đối với những người khuyết thiếu, sự đồng cảm ấy đã chạm sâu trong anh, khiến anh trăn trở suy nghĩ xem mình có thể làm được gì cho cộng đồng khuyết thiếu này. Cùng thời điểm, chị Văn Quý Ngọc Ái có dịp tiếp xúc với những đứa trẻ của những người mẹ Việt sống trên đất Đài Loan và những vấn đề tâm lý của chúng. Cũng như Khải, chị có suy nghĩ về việc làm thế nào để nâng đỡ tinh thần cho trẻ em thông qua các hoạt động có sử dụng nghệ thuật như công cụ gieo hạt giống hạnh phúc.

Bên cạnh tâm nguyện hỗ trợ những nhóm yếu thế, cả hai thành viên sáng lập 1648kilomet đều có chung một tình yêu và ưu tư làm sao để kể những câu chuyện về Việt Nam thông qua múa, thông qua âm nhạc, gìn giữ được sự trong trẻo của văn hóa Việt Nam. 1648kilomet đã hoạt động trước cả khi tên gọi này chính thức ra đời vào năm 2015 với một số tác phẩm múa nổi bật như: Nón, Đáy giếng…khai thác chất liệu văn hóa và âm nhạc truyền thống Việt Nam một cách cẩn trọng và tinh tế, được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Hai nhà sáng lập 1648kilomet: Vũ Ngọc Khải & Văn Quý Ngọc Ái. Ảnh: Ngân Huỳnh

Xoá nhoà ranh giới giữa nghệ sĩ & khán giả

Vũ Ngọc Khải có thời gian dài làm việc ở châu Âu, có các mối quan hệ với các nhà hát, các tổ chức quốc tế. Văn Quý Ngọc Ái đã gắn bó với nghề báo hơn 17 năm, đủ để đồng cảm với những khó khăn, thiệt thòi của các nghệ sĩ Việt Nam. Hai nhà sáng lập tự hỏi:  Làm thế nào để mình có thể kể câu chuyện mình muốn? Làm thế nào để đóng góp vào sự phát triển tương tác hai chiều giữa phát triển nghệ thuật và môi trường chính sách cho phát triển sáng tạo đa dạng. Đấy là lý do, từ khi thành lập đến nay, 1648kilomet đã thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật kéo gần hơn khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả, kéo gần giữa thế giới và Việt Nam. Trong đó, nhiều chương trình được thiết kế dành riêng cho các đối tượng mà đối với họ nghệ thuật là cái gì đó rất xa xỉ, rất xa vời, khó hiểu.

1648kilomet tin rằng, nghệ sĩ sẽ không làm dự án được, không sáng tạo được nếu không có công chúng. Muốn có công chúng thì người nghệ sĩ phải chủ động tiến lại gần với công chúng trước, cần chia sẻ câu chuyện công việc mình đang làm. Thông qua sự cởi mở nhưng nghiêm túc trong sáng tạo, nghệ sĩ mong rằng công chúng cảm thấy được sự gần gũi đến từ trong đời sống chứ không xa vời, huyễn hoặc và mọi người đều có thể dùng nó.

Vở múa “Cái Tổ” (The Nest) tại Goethe Institute. Ảnh: Trịnh Quang Linh

Theo Văn Quý Ngọc Ái, công chúng ở Việt Nam thua thiệt hơn nhiều nước khác. Từ khi là những đứa trẻ, mặc dù được học những môn như hội hoạ, hát nhạc trong nhà trường, nhưng tất cả đều được truyền đạt ở khía cạnh rất mô phạm, không chú trọng đến việc giúp diễn đạt cảm nhận của từng cá nhân. Hệ thống giáo dục ấy buộc con người ta phải đi theo đám đông, phải thấy cái này là đúng cái kia là sai.

Mỗi lần thực hiện từ biểu diễn cho đến workshop, 1648kilomet luôn có phần hỏi đáp sau chương trình để các nghệ sĩ và nhà tổ chức có thể trao đổi trực tiếp với khán giả. Họ muốn được kết nối bằng hình thức chia sẻ – đối thoại cởi mở để cả hai phía cùng hiểu về nhau hơn và thường nhắc đi nhắc lại: Hãy thả lỏng tâm trí, cho phép trái tim lắng nghe khi cảm nhận nghệ thuật hoặc một tác phẩm, đừng đặt nặng vấn đề tác giả muốn nói cái gì, động tác này đang truyền tải thông điệp gì. Quan trọng là trải nghiệm của bản thân mình với tác phẩm nghệ thuật ấy ra sao. Trải nghiệm ấy không có đúng hay sai, không tốt hay xấu, không đẹp hơn hay tồi hơn của người khác. Càng có nhiều trải nghiệm, tìm tòi, nếu cảm thấy yêu thích, bạn càng có lựa chọn của riêng mình.

Workshop múa đương đại Made in Vietnam 2018. Ảnh: Đại Ngô

Ở chiều ngược lại, 1648kilomet cũng yêu cầu một sự chỉn chu, tôn trọng tác phẩm nghệ thuật từ phía khán giả. Nếu như thiếu đi sự tôn trọng, khoan nói đến việc tác phẩm bị xâm hại thế nào, bản thân người nghệ sĩ sẽ là người trước nhất phải đối diện với những chấn thương. Đấy là lý do hai nhà đồng sáng lập luôn đưa ra những yêu cầu cụ thể với học viên (tham gia workshop), khán giả (đến xem chương trình) từ việc thực hiện nghiêm chỉnh giờ giấc, cách chuẩn bị phục trang, đến không sử dụng điện thoại, hay chụp hình quay phim trong suốt thời gian thưởng thức, kể cả việc không mang các loại thức ăn/nước uống vào không gian nhà hát. Để thực hiện được điều này, chính bản thân 1648kilomet phải bỏ nhiều tâm sức mình trong suốt quá trình chuẩn bị cũng như diễn ra sự kiện. Khải và Ái muốn khán giả phải nhận thức được rằng, họ ở đây trong không gian này, dù có bỏ tiền ra hay không, thì họ phải xứng đáng trong tư cách là một khán giả. 

Chị tự nhận cách làm việc của mình hơi “nghiêm khắc” nhưng rõ ràng ngay từ đầu để khán giả Việt Nam biết cần phải điều chỉnh thái độ sao cho phù hợp. Ví dụ như ở châu Âu, từ bé họ đã được dạy khi đi xem nhạc giao hưởng đến khi nào mới được vỗ tay. Khi đi xem múa ballet phải như thế nào? Khi vào nhà hát cần diện trang phục gì? Người Việt chẳng mấy khi được “rủ rỉ” ở những kiến thức nền này. Vậy nên, Văn Quý Ngọc Ái chia sẻ, 1648kilomet cùng lúc phải thực hiện cả nhiệm vụ sáng tạo và phổ biến kiến thức cho công chúng. Vì theo chị, muốn cộng đồng hiểu, tôn trọng lựa chọn của mình thì cần phải nói ra, phải tuân thủ từng yêu cầu nhỏ. Lâu dần sẽ tạo thành nếp, sẽ có được những lớp khán giả hiểu được và chia sẻ từng giá trị nhỏ mà nghệ sĩ đang cố gắng xây dựng. Cảm nhận thì không có đúng có sai, nhưng thái độ chuẩn khi thưởng thức nghệ thuật thì cần phải có. “Cái này về mặt tổ chức thì rất là cực”, chị cười xoà. Nhưng dù cực đến mấy thì chị và 1648kilomet cũng không từ bỏ, mà tiếp tục kiên trì thực hiện đến cùng.

Nghệ thuật gieo niềm vui “Từ tôi đến bạn”

Tham gia Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020, 1648kilomet thực hiện workshop “Nghệ thuật cho mọi người” gồm vẽ – chuyển động được thiết kế bởi biên đạo – giám đốc nghệ thuật Vũ Ngọc Khải và giáo viên nghệ thuật Nguyễn Minh Nam. Workshop là một phần trong dự án “Từ tôi đến bạn – From I to Others”, một dự án làm việc dài hơi với cộng đồng ra đời từ đầu năm 2018.

Workshop Nghệ thuật cho mọi người. Ảnh: Ngân Huỳnh
Workshop Nghệ thuật cho mọi người. Ảnh: Ngân Huỳnh


Nghệ thuật không chỉ đơn thuần là giải trí, nó có thể giúp cho mọi người thấy được niềm vui, chăm sóc sức khoẻ tinh thần của họ, nâng cao cái chỉ số cảm xúc, trí thông minh cảm xúc.
– Văn Quý Ngọc Ái –

Dự án “Từ tôi đến bạn” lấy mục tiêu mang nghệ thuật đến gần với cộng đồng, trong hai năm đầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là đối tượng chính. Từ năm 2020, dự án mở rộng cho những ai quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ và người lớn làm việc với trẻ em. Thông điệp lớn nhất và xuyên suốt nhất chính là “gieo niềm vui”, hiểu mình và hiểu người. Không chỉ riêng dự án này, tất cả các dự án của nhóm đều ẩn chứa thông điệp này. Theo Vũ Ngọc Khải, trong xã hội hiện đại ngày nay, con người mất rất nhiều kết nối giữa con người và con người. Nó là hệ quả của một xã hội phát triển quá nhanh, ở nơi đó con người ta sống gấp gáp, bon chen, luôn muốn nhanh hơn nhiều hơn. Con người trong xã hội ấy phải chịu nhiều tổn thương, nên họ vô thức dựng nên rào chắn để bảo vệ mình. Cũng vì lẽ đó chúng ta lại càng cảm thấy đơn độc và lẻ loi. Khi thấy một ai đó cần sự giúp đỡ thì mình cân nhắc rất lâu và thậm chí không dám giúp đỡ. Vũ Ngọc Khải chia sẻ trong quãng thời gian 12 năm sống và làm việc ở châu Âu, điều lớn nhất mà anh học được chính là sự quan tâm đến con người, là suy nghĩ và cảm xúc của từng cá nhân rất quan trọng. “Từ tôi đến bạn” khi dịch sang tiếng Anh là “From I to Others”. “I” không chỉ là từ mỗi cá nhân mà nó còn là từ viết tắt của bốn yếu tố khác: Individual (Cá nhân), Innovation (Đổi mới), Inspiration (Cảm hứng) và Inside out (Từ trong ra ngoài). Nhóm muốn đề cao tính cá nhân, tính riêng biệt, tính duy nhất của mồi cá thể, để chính con người ấy cảm thấy tự hào, để những người khác phải học cách chấp nhận cái sự riêng biệt đấy. Và nhóm muốn tạo cảm hứng để người đấy có động lực thay đổi từ bên trong.

Với dự án này, Văn Quý Ngọc Ái phụ trách chính khâu tổ chức, chị cũng tham gia vào vị trí điều phối trong một số workshop làm việc với trẻ em thông qua múa chuyển động trị liệu (Dance Movement Therapy), kể chuyện. Vũ Ngọc Khải theo đuổi múa chuyên nghiệp, anh điều phối các chương trình về chuyển động; đồng thời kết nối – thuyết phục các cộng sự cùng ngành trong và ngoài nước tham gia dự án. Bên cạnh đó, nhóm mời thêm những trái tim yêu nghệ thuật, chuyên gia trong lĩnh vực kể chuyện bằng rối, nhiếp ảnh, hoạ sĩ, nhạc sĩ… tham gia dự án. Ngoài việc dành thời gian, hầu hết các thành viên tham gia dự án phi lợi nhuận này còn đóng góp tài năng, kinh nghiệm, công sức lẫn tài chính. 

Vũ Ngọc Khải tin rằng “tinh thần” là thứ nâng đỡ, truyền năng lượng tích cực, giúp chúng ta vượt qua những nỗi buồn phiền, mệt mỏi và tiếp tục tiến về phía trước. Nghệ thuật có thể chạm đến và truyền cảm hứng cho tinh thần rất nhiều. Đấy cũng chính là lý do 1648kilomet quyết định đưa nghệ thuật tới cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng yếu thế.

Workshop Nghệ thuật cho mọi người. Ảnh: Ngân Huỳnh
Workshop Nghệ thuật cho mọi người. Ảnh: Ngân Huỳnh

From I to Others là một dự án phi lợi nhuận dài hơi mà 1648kilomet đang bước đầu đặt những viên gạch đầu tiên. Hai năm đầu tiên, nhóm tự bỏ tiền túi để thực hiện dự án từ học cụ, đến hỗ trợ việc ăn ở, đi lại cho điều phối viên trong nước và quốc tế. May mắn thay, họ nhận được sự chung sức của những cộng sự, bạn bè nhiệt thành như Ngô Hồng Quang, Kim Young Nam (Hàn Quốc), Ichi Go (Đức), Christopher Boyd (Bỉ), Nguyễn Minh Nam (Vẽ Voi), sân khấu nhỏ Ibsen, Mekongaholics, nhiếp ảnh gia Sơn Trần, chuyên gia ẩm thực – NTK Chương Đặng, June Entertainment… 

Năm 2019, với sự hỗ trợ của Mekongaholics, cùng với 3 dự án khác, 1648kilomet đã nhận được tài trợ từ nhãn hàng Lime Orange. Nhưng vì ảnh hưởng của Covid, chi phí bị giảm đi một nửa. Dù vậy, nhờ đó, hoạt động của dự án 2020 đã được tổ chức dài ngày hơn, đến với nhiều nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt hơn và 1648kilomet cũng… đỡ vất vả hơn. Đáng tiếc, một sự kiện gồm biểu diễn, triển lãm của dự án dự kiến mở cửa dành cho cộng đồng phải bị huỷ bỏ vì dịch. 

Văn Quý Ngọc Ái và Vũ Ngọc Khải thay phiên nhau làm công tác tổ chức, điều phối, xin quỹ, truyền thông… “nhiều lúc đuối quá, chị phải gào lên “Sao không ai nắm tay mình thế!” – Chị Ái vừa cười vừa kể. Tuy có lúc muốn tạm dừng lại, nhưng hai thành viên sáng lập cho biết “Từ tôi đến bạn” không chỉ là dự án 1648kilomet làm cho người khác, mà còn là dự án cho chính mình. Mỗi thành viên trong nhóm cũng học được nhiều kiến thức mới, rút tỉa nhiều kinh nghiệm quý để có thể phát triển và nhân rộng dự án và trưởng thành hơn trên con đường tự chữa lành, chăm sóc chính mình.

Viết bởi: Chii Nguyễn
Ảnh: Ngân Huỳnh, Trịnh Quang Linh, Đại Ngô
Đồ họa: Rongchơi
Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng

Ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.