fbpx

Chuyện của Vụn Art

Chúng tôi có cơ hội được phỏng vấn anh Lê Việt Cường – người “đặc biệt” sáng lập VỤN Art, để hiểu hơn về tầm nhìn và quan điểm sáng tạo để phát triển bền vững của anh.

VỤN Art – doanh nghiệp xã hội của người khuyết tật với các sản phẩm thủ công từ vải lụa Vạn Phúc tham gia Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 bằng chuỗi Workshop: Trải nghiệm ghép tranh từ vải vụn. Chúng tôi có cơ hội được phỏng vấn anh Lê Việt Cường – người “đặc biệt” sáng lập VỤN Art, để hiểu hơn về tầm nhìn và quan điểm sáng tạo để phát triển bền vững của anh.

Lê Việt Cường & VỤN Art

Lê Việt Cường có mong muốn duy nhất là người khuyết tật có việc làm bền vững. “Họ cần được sống như những người bình thường, cần được thấy mình có ích”. Với mong muốn này, năm 2017, anh sáng lập hợp tác xã VỤN Art, một doanh nghiệp xã hội với nhân viên là người khuyết tật và người thân của họ.

Anh Lê Việt Cường (bên trái) và khách trải nghiệm ghép tranh lụa


Khi anh làm cái này, lúc đầu anh chỉ nghĩ là mình tìm một cái nghề gì đấy cho người khuyết tật thôi, chứ mình không nghĩ đấy là một ý tưởng sáng tạo.

Với những ai chưa biết, VỤN Art là xưởng sản xuất sản phẩm thủ công của người khuyết tật, với sản phẩm chính là tranh ghép vải lấy cảm hứng từ tranh dân gian. Qua thời gian tự tìm tòi và nghiên cứu, giờ đây VỤN Art sản xuất áo thun, túi tote, ví và nhiều thứ đáng yêu khác nữa. VỤN Art đang nung nấu tự thiết kế và làm ra những sản phẩm sáng tạo mới lạ, đầy tính nghệ thuật. Nguyên liệu của Vụn Art là lụa Vạn Phúc, sản phẩm truyền thống dường như đang bị áp đảo bởi làn sóng hàng rẻ tiền từ Trung Quốc.

Trải nghiệm ghép tranh từ vải vụn tại VỤN Art

VỤN Art cũng có các hoạt động bên lề khác, như Trải nghiệm ghép tranh từ vải vụn và tham quan làng lụa Vạn Phúc. Thông qua trải nghiệm này, VỤN Art giới thiệu với người tham gia về văn hoá dân gian Việt Nam, giới thiệu sản phẩm của làng nghề lụa truyền thống Vạn Phúc và tài nghệ của những thành viên VỤN Art. 

Theo UNICEF Việt Nam, phần lớn các gia đình có người khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn, cơ hội việc làm cho những người khuyết tật cũng thấp hơn. Anh Lê Việt Cường đang cố gắng khắc phục điều này. Để các bạn khuyết tật đến làm nghề tại VỤN Art, anh Cường đi gõ cửa từng nhà, vận động và thuyết phục từng gia đình. Không có nghề thì anh dạy hoặc mời người về dạy. Quan điểm của anh và những người hỗ trợ VỤN Art là: “Người khuyết tật còn sức khoẻ thì cần phải lao động, để tự họ có thể cải thiện cuộc sống của mình. Thay vì làm từ thiện, chúng ta cần hướng cho họ (người khuyết tật) làm ra những sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh, có thể sống được trên thị trường. Chỉ khi đó, công việc và cuộc sống của họ mới ổn định và bền vững”.

Sản phẩm tranh ghép lụa của Vụn Art

Sáng tạo để tồn tại và phát triển bền vững

VỤN Art là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thủ công đầu tiên ở Việt Nam có kỹ thuật ghép lụa lên vải, thành tác phẩm trên áo phông, ví dài hay túi tote. Lê Việt Cường cho rằng, việc quan trọng nhất là phải tạo ra sự khác biệt, sản phẩm và mô hình kinh doanh phải mới, phải khác các sản phẩm hay mô hình kinh doanh hiện có. Đấy chính là điểm thu hút, gây sự chú ý của mọi người đối với VỤN Art. Nhiều người không khỏi giật mình ngỡ ngàng khi lần đầu tiên nhìn thấy các sản phẩm của VỤN Art. Không ai nghĩ đấy là lụa ghép túi vải, lên áo phông, hay thậm chí là một bức tranh hoàn chỉnh. Và điều đặc biệt hơn nữa là tác phẩm bằng lụa ấy có thể giặt được bình thường. Chính nhờ những sáng tạo khác biệt này mà VỤN Art đã tạo được chỗ đứng cho mình. 

Theo anh Cường, nếu như Vụn Art bắt chước theo những mô hình cũ, thì sẽ không phát triển được sản phẩm và không tạo được việc làm bền vững cho người khuyết tật.


Với thời đại thông tin đang phát triển như ngày nay, đồ thủ công vẫn có đất sống, nên anh nghĩ là có cách làm sáng tạo thì vẫn có thể phát triển được.

Năm 2019, Vụn Art được UNESCO đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hoá, phát triển sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc, vừa bền vững về việc làm cho nhóm yếu thế. Vụn Art cũng đã đạt chứng chỉ OCOP 4 sao (chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và ý tưởng, chỉ thiếu chiếc bao bì để đạt 5 sao.

Viết bởi Chii Nguyễn
Ảnh do anh Lê Việt Cường, giám đốc VỤN Art cung cấp
Đồ họa: Rongchơi
Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.