fbpx

Hiểu và yêu sơn mài Việt cùng nghệ nhân Vũ Huy Mến

Nhờ có tour Trải nghiệm: Vẽ tranh sơn mài cùng nghệ nhân Vũ Huy Mến được tổ chức bởi Hội những người bạn của Di sản Việt Nam (FVH) trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020, chúng tôi đã có dịp được ‘yêu và hiểu” hơn về nghệ thuật sơn mài qua câu chuyện của nghệ nhân Vũ Huy Mến.

Nhờ có tour Trải nghiệm: Vẽ tranh sơn mài cùng nghệ nhân Vũ Huy Mến được tổ chức bởi Hội những người bạn của Di sản Việt Nam (FVH) trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020, chúng tôi đã có dịp được ‘yêu và hiểu” hơn về nghệ thuật sơn mài qua câu chuyện của nghệ nhân Vũ Huy Mến.

Chân dung nghệ nhân

Cách trung tâm Hà Nội gần 20km về hướng Nam là làng sơn mài Hạ Thái, một trong những làng nghề truyền thống còn lưu giữ những kỹ thuật cổ truyền của sơn mài Việt. Khi chúng tôi đến nơi, bác Vũ Huy Mến đang tất bật tại xưởng. Con gái bác, chị Vũ Thị Lệ Hà, cũng là một nghệ nhân có tiếng, vẫn đang miệt mài bên những bức vóc nhỏ, cần sản xuất thật nhanh nhưng cũng phải thật kỹ để chuyển cho khách trên Hà Nội. Bác Mến tất tả chạy ra, khoát tay về những bức tranh đang tựa lên nhau bên phía cửa, cười bảo: “Đấy, làm mấy bức từ đầu năm tới giờ chưa xong, mà cuối năm là phải có rồi!”.

Nếu không hỏi, thật khó có thể tin người nghệ nhân nay đã gần 80 tuổi. Bác vẫn nhanh, sắc sảo và đôi tay qua mấy chục năm dầm nước, sơn và giấy nhám, vẫn trầm, ổn, chắc. Chưa kịp hỏi gì, bác đã mời chúng tôi ngồi và pha một ấm trà. Câu đầu tiên bác nói khi thấy chúng tôi sắp máy quay để phỏng vấn, là: “Các anh chị vội gì! Hẵng cứ thong thả! Nói về nghề sơn mài, thì mình có ngồi với nhau nửa tháng cũng không hết! Thế thì chẳng cần vội”. Câu nói đó, ngay cả sau này khi tôi quay lại thăm làng, vẫn là câu cửa miệng của người nghệ nhân.


Nói về nghề sơn mài, thì mình có ngồi với nhau nửa tháng cũng không hết!

Khi nói về sơn mài, mắt bác sáng hẳn lên. Đó là một đôi mắt tinh anh, tràn sức sống và trải nghiệm của gần nửa thế kỷ sắt son với nghề. Giờ, nếu người ta có biết được tuổi của bác đi nữa thì cũng chẳng ai tin trước mặt họ là một người đã quá cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Câu chuyện của bác dài nhưng chưa bao giờ hết thú vị. Nó vắt qua từng tuần trà và cũng như thế, thấm thoát qua từng thập kỷ với nghề.

Nghề sơn mài ở làng Hạ Thái đã tồn tại được hơn hai trăm năm, nhưng thật ngạc nhiên khi biết bác Mến lại không xuất thân từ làng. Bác sinh ra ở Giảng Võ, giữa đất đô thị và theo học tại Xưởng Mỹ nghệ Giải phóng trực thuộc Liên hiệp hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp Trung ương, sau đổi là Trường Thủ công Mỹ nghệ Hà Tây. Chính ở nơi đây, bác mới thấm cái tình yêu với sơn mài, và cũng là tình yêu lãng mạn với một người phụ nữ Hạ Thái, tức vợ bác bây giờ. Và sau bảy năm dạy học tại trường, bác đã chuyển hẳn về làng Hạ Thái, từ đó lại càng thêm trân trọng một di sản vi tế này.

Nghệ nhân Vũ Huy Mến tại xưởng, giới thiệu về sơn mài.

Về nghề sơn mài

Thế nhưng, theo nghề không phải đơn giản. Ngay trong làng nghề Hạ Thái cũng chỉ còn hơn trăm hộ gắn bó với nghề sơn mài, mà trong số đó, những người thuần thục kỹ nghệ sơn ta như gia đình nghệ nhân lại càng hiếm. Bác tâm sự, “Sơn mài Việt Nam rất cầu kì”. Sự cầu kì của nó đến ngay từ chính cây sơn mài. Loại cây này không phải ở chỗ nào cũng có, mà phải đặc biệt lấy ở xã Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Cây cũng đòi hỏi một sự kỳ công khi khai thác, vì chỉ có thể khai thác trong đêm và rạng sáng, từ 2 đến 4 giờ, bởi nắng lên sẽ làm nhựa cây khô lại. Rồi còn màu sơn, bản thân cây sơn mài Việt Nam không có gì quá đặc biệt. Thậm chí, so với thế giới như Nhật, Trung Quốc, Nga, thì cây sơn mài Việt Nam còn cho số lượng màu hạn chế hơn, chỉ trong ba màu đỏ son, nâu và then (màu đen). Thế nhưng, giống như một hũ rượu ngon, những tác phẩm dùng sơn ta để càng lâu màu lại càng sắc, càng đậm, tranh lại càng bóng đẹp. Bác tâm sự: “Cái bóng của tranh sơn ta là bóng thật, bóng tự thân. Còn bóng của sơn hiện đại là bóng giả, phải sơn phủ lớp bóng lên, không bền.”

Và có lẽ chính sự cầu kỳ, vất vả đó lại đã trở thành một phần động lực, phần thử thách để Nghệ nhân kiên trung với nghề. Mà đó mới chỉ là những bước đầu tiên về riêng cây sơn mài. Để tạo ra một tác phẩm hoàn thiện, có khi phải mất đến cả nửa năm, lại có tấm đến vài năm liên tục.

Một góc nhà nghệ nhân.

Khi nghệ nhân trải những tấm gỗ ra làm ví dụ cho từng bước của một tác phẩm, ta lại càng rõ thêm sự cầu kỳ người nghệ sĩ, nghệ nhân đặt vào trong đó. Mỗi bước, từ tạo ra một tấm vóc đều, phẳng cho tới phác vóc đều đòi hỏi sự chu đáo, cẩn thận ở mức độ tối đa. Có những bước người nghệ nhân phải lặp đi lặp lại hàng chục lần. Có những bước lại đòi hỏi những vật chải đặc biệt, mà như nghệ nhân giải thích, ngày xưa chỉ có thể dùng bằng tóc phụ nữ. Từ một tấm vóc bình thường cho tới lúc toát sơn, bất kể khi nào ta có sai sót thì bức tranh đó coi như hỏng. Bác cười, chỉ tay vào chiếc bàn chúng tôi đang ngồi, trên bàn vẽ vịnh Hạ Long: “Đấy, vẽ xong hỏng đấy. Hỏng mà chẳng làm gì được, lấy ra làm bàn thôi!”

Nhìn vào một tác phẩm sơn mài Việt, ta có thể thấy đó như hội tụ của triết lý phương Đông. Ngũ hành phương Đông có Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Sơn mài viện Thổ, tức là cây sơn và cần những loại đất phù sa tinh khiết ở sông Hồng để làm đều vóc, lại vẽ trên nền gỗ, tức là Mộc. Sơn mài đòi hỏi sự mài liên tục dưới nền nước, lại chỉ có thể khô khi trời rất ẩm, đấy là Thuỷ. Và để bù đắp cho sự thiếu thốn về màu sơn tự nhiên từ cây sơn mài, các thế hệ nghệ nhân đã nghĩ ra những giải pháp từ tự nhiên: đó là thếp vàng, thếp bạc (Kim) và ốp vỏ trứng nướng vào (Hoả). Chính sự hài hoà cùng thiên nhiên đó đã đem đến một vẻ đẹp thâm trầm sâu sắc, đòi hỏi cái nhìn tinh tế của người xem.

Ở giữa tự nhiên là con người. Những nghệ nhân tài hoa, sáng tạo đã đưa những yếu tố con người nhất để xoay chuyển thiên nhiên theo ý mình. Trà đã nguội. Bác Mến thong thả đứng dậy, dẫn chúng tôi đi thăm buồng ủ, một sản phẩm độc đáo của sơn ta. Giữa căn phòng nhỏ, tối trên nền nhà ướt, mùi sơn và mùi đất ẩm nồng dịu xộc vào mũi.

Phòng ủ ở nhà nghệ nhân.

Bác ôn tồn: “Sơn mài khô trong độ ẩm. Trước đây, người nghệ nhân “nhìn trời dùng sơn”, uyển chuyển theo thời tiết để mà vẽ. Nhờ có buồng ủ mà mình linh hoạt hơn”. Đoạn, bác lại nói: “Mà cái “trò” này, các anh thành phố làm sai hết! Buồng ủ phải có nền đất để nước bốc hơi, chứ nhiều anh cứ ủ trong sàn gạch men, không thấm nước thì sao mà ẩm được! Có anh còn có con cóc phun sương thì đúng là chẳng biết gì, nước bám lung tung hỏng hết cả tranh!”


Cái nghề sơn mài, nhất thiết phải bám vào truyền thống, vào tự nhiên.

Tương lai của sơn mài

“Cái nghề sơn mài, nhất thiết phải bám vào truyền thống, vào tự nhiên” – người nghệ nhân lại nói, tay đóng tấm bạt che buồng ủ. Thế nhưng, những người nghệ nhân không phải những người cổ hủ, nhất nhất không thay đổi. Trong xã hội hiện đại, nghề sơn mài truyền thống đã có những thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh. Bác Mến cười: “Bây giờ có máy móc, dụng cụ, thì tạo sơn cũng dễ hơn. Như ta có thể trộn nhựa sơn mài với dầu trẩu để tạo thành sơn bóng, hoặc trộn với nhựa thông để thành sơn dầu. Làm nhanh hơn hẳn!”.

Làng nghề cũng vậy. Về phòng trưng bày của bác, ta thấy nhiều tác phẩm sơn mài được kết hợp cả sơn ta và sơn Nhật. Các sản phẩm sơn mài cũng đa dạng hơn, từ tranh tới lọ hoa, hộp đựng nữ trang. Nội dung trong những bức tranh cũng thay đổi, từ truyền thống cho tới hiện đại, từ tĩnh vật cho tới trừu tượng. Danh tiếng của làng sơn mài Hạ Thái và bản thân nghệ nhân Mến càng ngày càng nổi bật, thu hút các kênh truyền thông trong nước và nhiều chuyến thăm quan của bạn bè quốc tế. Bác chỉ lên những cúp, những giải thưởng, tự hào nói: “Tôi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân năm 2015, còn con gái tôi là 2017. Cả làng này, chỉ có duy nhất một nhà chúng tôi là có hai đời nghệ nhân đấy!”

Vậy nhưng nghề sơn mài, đặc biệt là sơn ta, vẫn chưa đạt được những quan tâm xứng đáng. Bởi lẽ, sơn mới, sơn nhân tạo rẻ, nhanh, bớt cầu kỳ hơn, lại cho ra nhiều màu sắc sống động hơn. Những nghệ nhân trung thành với sản phẩm sơn mài truyền thống của Việt Nam như gia đình bác Vũ Huy Mến ngày càng hiếm. Việc duy trì và phát huy những thực hành truyền thống quý báu của dân tộc, đặc biệt với giới trẻ, do đó, ngày càng trở nên quan trọng.

Bình luận về sự quan tâm chú ý của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, tiêu biểu như những chuyến du ngoạn, thực hành tận tay với nghệ nhân do Hội Những người bạn của Di sản Việt Nam (FVH) tổ chức, bác Mến chỉ nói giản dị: “Tôi mong các bạn về làng Hạ Thái để cùng chung vui với chúng tôi, để thêm hiểu và thêm yêu về truyền thống sơn mài Việt Nam!”.

Viết bởi: Đinh Nguyễn
Đồ họa: Rongchơi
Ảnh: Đan & Bùi Thanh Vân
Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.