fbpx

Hỏi chuyện Nguyễn Ngọc Thư – giải nhất cuộc thi thiết kế đồ họa VFCD 2021: Muốn lan tỏa tình yêu văn hóa Việt Nam đến với mọi người

Ở tuổi 21, là thí sinh trẻ nhất trong top 5 lọt vào chung kết Cuộc thi “Thiết kế Đồ họa VFCD 2021: Hình ảnh Chủ đạo & Ứng dụng Sáng tạo”, Nguyễn Ngọc Thư đã chinh phục ban giám khảo ở vòng thuyết trình và xuất sắc giành giải Nhất với ý tưởng “Cân bằng giữa những điểm giao”.

Ở tuổi 21, là thí sinh trẻ nhất trong top 5 lọt vào chung kết Cuộc thi “Thiết kế Đồ họa VFCD 2021: Hình ảnh Chủ đạo & Ứng dụng Sáng tạo”, Nguyễn Ngọc Thư đã chinh phục ban giám khảo ở vòng thuyết trình và xuất sắc giành giải Nhất với ý tưởng “Cân bằng giữa những điểm giao”. Thiết kế của Thư đã “ghi điểm” nhờ biết khai thác và kết hợp một cách sáng tạo những quan sát tinh tế và tình cảm từ sinh hoạt đời sống mộc mạc thường ngày để tạo nên giải pháp thiết kế cân bằng hoàn hảo giữa hiện đại và truyền thống, đồng thời có tiềm năng ứng dụng cao.

Dưới đây là chia sẻ giữa Thư và VFCD về trải nghiệm tham gia cuộc thi cùng những điều đáng nhớ trong hành trình này.

Nguyễn Ngọc Thư (21 tuổi) vừa đạt giải Nhất Cuộc thi Thiết kế đồ họa VFCD 2021.

Do đâu bạn biết đến cuộc thi này? Và điều gì khiến bạn quyết định tham gia?

Nhờ một group trên Facebook có liên quan đến ngành sáng tạo chia sẻ thông tin mà mình biết tới cuộc thi. Còn về lý do dự thi thì thứ nhất là vì đã từ lâu mình muốn làm một dự án cá nhân thiết kế KV (Key visual: hình ảnh chủ đạo) sử dụng các yếu tố truyền thống Việt Nam, nên nhân cơ hội có cuộc thi thì mình tham gia luôn, cứ làm thử thôi không nghĩ nhiều. Thứ hai là để thử sức, đánh giá năng lực của bản thân.

Bạn nghĩ gì về chủ đề: “Tương lai sáng tạo: Ngành Công nghiệp Văn hóa & Sáng tạo tại Việt Nam có thể hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy sự phát triển thông minh và đột phá của các thành phố lớn như thế nào?”

Mình nghĩ rằng mọi phương diện trong đời sống đều cần có yếu tố sáng tạo, sáng tạo giúp ta thể hiện thông điệp, góc nhìn cũng như mục tiêu hướng đến. Cuộc thi lấy chủ đề về vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong việc phát triển kinh tế địa phương cũng là cách thể hiện thiện chí và nỗ lực không ngừng cố gắng tạo ra sự đổi thay, cải thiện chất lượng đời sống. Một chủ đề truyền cảm hứng, thôi thúc mọi người tạo ra những đột phá sáng tạo để cùng lan tỏa những thông điệp tích cực, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Khi tham gia cuộc thi, bạn có đặt ra mục tiêu hay tiêu chí nào cho thiết kế của mình không?

Làm thế nào để có thể biểu tượng hóa được những hình ảnh đời thường, để khi nhìn vào mọi người có thể hiểu được. Đấy là mục tiêu mình đặt ra cho bản thân ngay từ ban đầu.

Quá trình thực hiện bài dự thi của bạn từ lên ý tưởng cho đến triển khai thiết kế đã diễn ra như thế nào và trong thời gian bao lâu?

Mình lên ý tưởng trong khoảng hai tuần. Vì muốn làm một cái gì đó thật gần gũi, nên mình đã lục lọi xem lại ảnh mình chụp đường phố suốt mấy năm qua, rồi từ đó quyết định lấy hình ảnh gánh hàng rong làm điểm xuất phát, với hai yếu tố trọng tâm là “cân bằng” và “điểm giao”. Sau đó, mình thử đặt “cân bằng” và “điểm giao” vào các hình ảnh khác thì nhận ra trong mọi thứ đều có hai yếu tố này. Khi xác định được các yếu tố chính của thiết kế rồi thì mọi thứ diễn ra khá nhanh gọn. Mình tiếp tục phát triển các hình ảnh tiếp theo, bắt tay vào vẽ nháp rồi vẽ lên máy, và chỉ mất một buổi sáng để hoàn thiện KV. Sau đó còn khoảng một tuần thì mình triển khai ứng dụng KV lên các nền tảng truyền thông.

Thiết kế hình ảnh chủ đạo của Nguyễn Ngọc Thư cho Cuộc thi Thiết kế đồ họa VFCD 2021.

Tại sao bạn lại lựa chọn hình ảnh gánh hàng rong là khởi nguồn cho ý tưởng của toàn bộ thiết kế?

Hình ảnh gánh hàng rong gắn bó với tuổi thơ của mình. Hồi bé hay lang thang ngoài đường chơi, thi thoảng mình lại gặp các bác các cô gánh hàng rong ở chợ bán không hết hay cho đồ. Có những lần các cô bác còn nhờ mình trông hàng hộ. Họ thường đến từ các tỉnh ngoài. Trên vai là đôi quang gánh mang theo bao nhiêu thức quà đặc sản thơm ngon từ các vùng miền. Đó là hình ảnh mộc mạc của những người mẹ, người chị tần tảo, mang nét đẹp văn hóa lâu đời đã in vào tiềm thức tuổi thơ của nhiều người. Và mình muốn bắt đầu từ một thứ gì gần gũi thân thuộc như thế.

Có khó khăn nào mà bạn gặp phải trong quá trình thực hiện bài thi? Bạn đã vượt qua chúng như thế nào?

Khó nhất nhất với mình chắc là khi tìm bảng màu, vì KV cần tính ổn định, dễ dàng ứng dụng vào các nền tảng truyền thông nên cần một bảng màu có độ thích ứng cao. Ban đầu mình vốn định lấy các màu sắc từ nghệ thuật múa rối nước, chủ đạo là đỏ và xanh lá nhưng khi ứng dụng thử thì thấy chưa đủ để toát lên được tinh thần của KV. Sau khi tìm hiểu thêm, mình đã chọn bảng màu lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống vốn rất rực rỡ và phong phú, phù hợp với phong cách thiết kế hiện đại và biểu tượng hóa, thích ứng được cả với nền sáng và tối.

Bạn có bất ngờ không khi biết tin mình lọt vào top 5?

Mình vui và cũng khá bất ngờ, nhưng vui một chút thôi xong mình lại nghĩ tiếp xem nên làm gì để thuyết trình thật ấn tượng và hiệu quả, cần bổ sung thế nào cho ý tưởng, vậy là mình tập trung vào làm thêm thiết kế ứng dụng.

Vậy bạn đã chuẩn bị như thế nào cho vòng thuyết trình chung kết?

Mình có 5 ngày để chuẩn bị cho vòng này. Trong tuần đó, mình đã triển khai thêm các thiết kế mockup (hình ảnh mô phỏng sản phẩm thiết kế), poster… để xem thiết kế của mình có khả năng thích ứng đến mức độ nào. Mình cũng làm thêm cả motion graphic (video đồ họa chuyển động).

Những điểm bạn tâm đắc nhất ở bài dự thi của mình? Thiết kế của bạn sẽ mang lại khác biệt gì trong biểu hiện nhận diện của liên hoan VFCD năm nay so với những năm trước?

Điều mình tâm đắc nhất có lẽ là các biểu tượng về hình ảnh người lao động. Vì mình muốn đưa yếu tố con người vào trong thiết kế nên đã lên ý tưởng khá kỹ về phần này. Như hình ảnh bông lúa tượng trưng cho nghề nông, chuồn chuồn gỗ tượng trưng cho nhóm ngành nghề thủ công, pháo bông tượng trưng cho những ước nguyện đổi thay,…tất cả đều xoay quanh công việc, đời sống và góc nhìn của người lao động, và mọi thứ đều kết nối với nhau tượng trưng cho xã hội cùng nhau tiến lên và phát triển. Đó là những thông điệp mình muốn gửi gắm qua các hình ảnh.

So với các KV của VFCD những mùa trước, mình nghĩ rằng điểm khác biệt mà mọi người có thể nhìn thấy chính là sự kết nối trong thiết kế, các thành tố liên kết với nhau bằng các đường nét (lines) tạo nên tính động, dẫn mắt người xem tới hệ thống hình ảnh mà họ đều có thể dễ dàng hiểu được.

Bạn thấy sao về những câu hỏi/nhận xét của giám khảo dành cho mình trong vòng thuyết trình?

Nhờ những câu hỏi của ban giám khảo mà mình biết bài thi của mình còn thiếu sót những gì và nên phát triển những gì. Thấy rõ nhất là thiết kế này cần được hệ thống hóa một cách rõ ràng, chỉn chu hơn, để có thể ứng dụng nó vào những nền tảng cụ thể.

Còn về phần thi của các thí sinh khác?

Bài thi các bạn đều rất hay. Các bạn trình bày cũng rất ngầu nữa. Mình học được rất nhiều vì ai cũng có ý tưởng sáng tạo và chuyên nghiệp. Ví dụ như bài của Nguyễn Hoàng Mạnh Khang, quá trình xây dựng hệ thống hình ảnh của bạn ấy rất tâm huyết từ sự đầu tư, nghiên cứu về các ngành nghề cho đến việc biểu tượng hóa các hình ảnh, một việc không hề dễ dàng.

Với đặc trưng của Liên hoan là bao gồm nhiều sự kiện trải dài từ truyền thống tới hiện tại, với nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa từ mỹ thuật, nhiếp ảnh & triển lãm, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ đến kiến trúc, thời trang…, bạn có kế hoạch phát triển thiết kế tương ứng với các sự kiện như thế nào?

Trong vòng thuyết trình, mình cũng nhận được câu hỏi tương tự nhưng khi đó không kịp “nảy số”. Nhưng lúc kết thúc thi thì mình đã có câu trả lời. Thiết kế của mình chắc chắn sẽ cần hệ thống hoá lại một cách chỉn chu hơn với các giải pháp triển khai ứng dụng KV trên các nền tảng cụ thể, và có thể phát triển thêm các thành tố vẫn dựa trên hai yếu tố cân bằng và điểm giao để thể hiện được nội dung của từng sự kiện. Mình có nghĩ đến một số hình ảnh có thể biểu tượng cho nghệ thuật, kiến trúc truyền thống như đàn tranh, chùa chiền… Tuy nhiên quá nhiều thành tố sẽ gây rối nên mình cần có sự chọn lọc nhất định, và điều quan trọng đó phải là những yếu tố gần gũi của văn hóa truyền thống, gần gũi với cuộc sống hàng ngày.


Đây là giải thưởng cao nhất về thiết kế mà mình từng đạt được. Mình vui một phần vì năng lực bản thân đã được đánh giá ở mức độ nhất định… Sau cuộc thi này, mình thấy tự tin hơn để phát triển thêm ở mảng thiết kế KV và sẽ tiếp tục phát huy khả năng này… Bằng việc đưa các yếu tố văn hóa của đất nước vào trong các thiết kế, mình muốn thể hiện và lan tỏa tình yêu văn hóa Việt Nam đến với mọi người.

Thiết kế của bạn nhận được khá nhiều phản hồi và nhận xét tích cực, có bình luận nào mà bạn thấy đáng nhớ?

Bạn mình có gửi hình chụp màn hình comment của một người dùng trên Facebook, đại ý nói là các biểu tượng trong thiết kế của mình nếu tách biệt ra thì nhìn bình thường nhưng kết nối lại với nhau lại thành ra rất hay. Mình rất thích comment đấy, vì đó chính là ý đồ ban đầu của mình: sử dụng những hình ảnh rất bình thường, các hình khối cơ bản, đơn giản mà mọi người có thể nhìn thấy ở nhiều nơi, nhưng khi kết hợp lại với nhau một cách sáng tạo thì nó có thể trở thành một tác phẩm thú vị.

Mẫu thiết kế poster trong bài dự thi của Nguyễn Ngọc Thư.

Bạn có thể chia sẻ về lý do khiến bạn lựa chọn ngành thiết kế?

Ban đầu thực ra mình theo nhiếp ảnh, cũng là một khoảng thời gian khá lâu. Mình bắt đầu đi chụp từ hồi cấp 3, cho đến lúc thi đại học thì đỗ trường báo khoa nhiếp ảnh. Mình cũng thi cả sân khấu điện ảnh nhưng qua vòng sơ khảo thì bỏ không thi nữa. Sau một đêm không ngủ đứng giữa các lựa chọn, suy nghĩ xem liệu nhiếp ảnh có đủ với mình không, mình nhận thấy nếu học đồ họa sẽ có cơ hội phát triển nhiều mặt hơn, có thể học hỏi, trải nghiệm nhiều hơn trong ngành này, mình cũng có thể ứng dụng nó vào nhiếp ảnh nữa.

Đấy là bước chuyển và đến giờ mình vẫn rất hài lòng vì đã quyết định như vậy. Mình thích quá trình sáng tạo, lên ý tưởng, phác nó ra giấy rồi vẽ lên máy. Mình thích được diễn tả những hình ảnh trong trí tưởng tượng theo ngôn ngữ của mình. Ngành thiết kế sáng tạo thực sự cần thiết và đang phát triển, và mình muốn được đóng góp một phần vào sự phát triển đó.

Là một đại diện cho gen Z, bạn nghĩ thế nào về vai trò của gen Z trong thiết kế ứng dụng ngày nay?

Mỗi thế hệ đều góp phần tạo nên dấu ấn riêng của từng thời kỳ. Đối với thế hệ của mình thì việc tiếp thu và phát triển các thiết kế ứng dụng mang đến những góc nhìn mới, trẻ trung, hiện đại, có gì đấy ngông nghênh và tự do hơn, cách giải quyết đề bài theo hướng nhanh gọn, hiệu quả, tối ưu hóa trong việc truyền tải hình ảnh. Mình để ý thấy các bạn gen Z rất vững vàng với quan điểm, lập trường cá nhân, họ cũng rất tự tin và sẵn sàng lăn xả để tạo ra những sản phẩm mang tính sáng tạo và đột phá.

Bạn có suy nghĩ như thế nào về sử dụng thiết kế như một công cụ để bảo tồn các yếu tố truyền thống?

Mình nghĩ rất nên khuyến khích sử dụng thiết kế trong việc bảo tồn truyền thống. Nhất là trong thời đại số hoá và mọi thứ đều đang dịch chuyển không ngừng thì việc lưu trữ và biểu tượng hoá các yếu tố truyền thống là điều cần thiết, vì những hình ảnh được lưu lại dưới dạng ngắn gọn, dễ nhớ, có thể ứng dụng sáng tạo linh hoạt, đa dạng sẽ giúp lan tỏa các giá trị truyền thống một cách rộng rãi và hiệu quả.

Viết bởi: Ngụy Hải An
Đồ họa: Rongchơi
Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng
Ảnh do nhân vật cung cấp

Ghi rõ nguồn VFCD 2021 khi chia sẻ bài.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.