fbpx

Về những khởi đầu: Trò chuyện cùng Lộn Xộn

Một nhóm nghệ thuật mới toanh của các bạn trẻ Gen Z miền Tây, và một trong những dự án ấn tượng nhất tại VFCD 2021

Một nhóm nghệ thuật mới toanh của các bạn trẻ Gen Z miền Tây, và một trong những dự án đáng nhớ nhất tại VFCD 2021

Ngay khi tôi ‘bước vào’ không gian ảo trên Gather, một giọng miền Tây vang lên trong tai nghe: “Có ai vừa mới chia tay bồ không ạ?” Sau ngày dài của chuỗi hội thảo và tọa đàm về những chủ đề vĩ mô, tôi không khỏi bật cười trước sự đáng yêu của câu hỏi. Người vừa lên tiếng – từ căn phòng nào đó ở Cần Thơ và hiện diện trên màn hình qua một ‘avatar’ (mũ cướp biển màu tím, khẩu trang xanh) – đang đóng vai trò MC của buổi tụ họp trực tuyến thân mật, đứng trên sân khấu lớn, bao quanh bởi khoảng 10 avatar khác, một bãi đất rộng với cây cối viền quanh và lửa trại ở giữa, bàn ghế nhựa xanh đỏ như trong các canteen trường học. Tiếng cười khúc khích và những bông đùa truyền qua Internet lúc nửa đêm, trên nền bài cải lương ai đó đang bật. Chào mừng đến với Lộn Xộn Expo.

Vừa là tên dự án ra mắt vừa là tên nhóm, Lộn Xộn gồm các bạn sinh viên đại học ở Cần Thơ, với sự hướng dẫn của một giảng viên thiết kế đồ họa trường FPT Cần Thơ: Cécile Ngọc Sương Perdu (sáng lập nhóm), dù cô nhanh chóng khẳng định khi trò chuyện cùng tôi: “Mình hướng dẫn nhưng cũng là các bạn đồng hành với mình, không có ngăn cách cô trò.” Cũng như nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật khác gần hai năm nay, câu chuyện của Lộn Xộn Expo trải qua những khúc ngoặt quanh co do ảnh hưởng từ Covid-19, từ thời điểm thành lập đầu năm nay, cho đến khi chuyển dạng từ một dự án ngoài đời thực thành một triển lãm trực tuyến. 

Dù Gather ngày càng quen thuộc như một giải pháp hấp dẫn cho những gặp gỡ họp hành thời đại Covid-19, Lộn Xộn Expo có lẽ thuộc số ít dự án sử dụng nền tảng này cho một triển lãm nghệ thuật và thiết kế – và sử dụng thực sự hiệu quả và sáng tạo, tạo ra các khả năng mới về trải nghiệm trong không gian ảo. Đi một vòng thăm thú 19 dự án của triển lãm, tôi được ngắm tranh, xem video, thử các hiệu ứng AR, thậm chí cả chơi các nhạc cụ đặt rải rác trong không gian, chưa kể nhiều tính năng tương tác khác giữa người xem với người xem (mà chương trình phát thanh đêm khuya nhắc đến ở trên chỉ là một ví dụ). 

Không chỉ với những tác phẩm và vật thể ở tiền cảnh, hậu cảnh rõ ràng cũng đã được thiết kế đặc biệt tỉ mỉ: thay vì sử dụng ‘bản đồ’ và phông nền có sẵn của Gather, mỗi dự án của triển lãm xuất hiện trong một kết cấu kiến trúc được dựng và cá nhân hóa bởi chính thành viên Lộn Xộn, mang cảm thức nơi chốn rõ rệt và cảm hứng từ cuộc sống đời thường xung quanh họ. Rạp hát bội, gánh lô tô, bến nước, ghe thuyền trên sông, cà phê miệt vườn, bưu điện, đền tháp, thư viện, văn phòng ‘co-working’, khu vực xem phim ngoài trời, v..v.. – nếu như vậy chưa đủ ‘lộn xộn’, bạn còn có thể ghé không gian ‘free build’ dành cho mọi thành viên và khách tham quan thỏa sức tạo nên bất cứ điều gì mình muốn (khi tôi vào xem, ai đó đã dựng cả một rừng cây um tùm; ngay gần, vì một lý do nào đó, là rất nhiều màn hình vô tuyến).

Nhưng không chỉ là sự sáng tạo tự do và nét nghịch ngợm thế hệ gen Z, Lộn Xộn mang theo những hoài bão và ý tưởng lớn cho cả một vùng địa lý/văn hóa: “Em nghĩ điều gì cũng cần sự khởi đầu. Nếu như lần này tụi em có thể thành công và đưa ra một con đường hay bước tiến mới cho Cần Thơ, thì hy vọng sẽ có thêm nhiều nhóm phát triển ngành của tụi em”, Nguyễn Trường Nhật (thành viên Lộn Xộn) chia sẻ. 

Quay ngược thời gian đến thời điểm triển lãm “chỉ mới hoàn thiện 75%”, mời bạn làm quen với ba trong số những người trẻ tài năng của Lộn Xộn – Cécile Ngọc Sương Perdu, Nguyễn Anh Huy và Nguyễn Trường Nhật – và hiểu thêm về bối cảnh văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo tại miền Tây Nam Bộ.

Thành viên Lộn Xộn và khán giả 'chụp hình' trong không gian Lộn Xộn Expo

Các bạn có thể chia sẻ về sự ra đời của Lộn Xộn?

Cécile Ngọc Sương Perdu (CNSP): Cũng như tên nhóm, câu chuyện rất là ‘lộn xộn’. Mình muốn thành lập một dạng cộng đồng thiết kế ở Cần Thơ, ý định này mình giữ trong đầu và nhiều lúc băn khoăn. Hôm đó, đang dạy lớp bạn Nhật thì mình nhắn nhỏ với Huy: “Ê Huy, nếu mình dựng một cái triển lãm thì có ai thích không, hỏi giùm coi.” Chỉ hai-ba tiếng sau là sinh viên nhắn ùa ùa, ngày hôm sau họp và lên ý tưởng, rồi tổ chức. Các bạn cứ rủ nhau thôi, rất là gần gũi. Lộn Xộn được ủng hộ hơi nhiều là vì ở Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, dù có nhu cầu và năng lực về thiết kế, nhưng không có cơ hội học hỏi và cọ xát. Về mặt thẩm mỹ, Cần Thơ bị thúc đẩy bởi kinh doanh du lịch, người ta sẽ chỉ theo hướng đã được chứng minh hiệu quả. Điều đó làm cho thiết kế của thành phố hơi rập khuôn, không có những thẩm mỹ mới hay sự cân nhắc các khía cạnh văn hóa khác.

Nguyễn Anh Huy (NAH): Em nghĩ là sinh viên đều nhìn thấy khó khăn khi học thiết kế ở Cần Thơ. Cô Sương cũng thấy điều đó và có đủ năng lực để khởi xướng một dự án, nên khi cô mở lời các bạn tạo ra một làn sóng hưởng ứng và bắt tay làm luôn. Cá nhân em rất thích tham gia các triển lãm nghệ thuật, nhưng muốn xem thì phải lên tận TP. HCM, mà không phải ai cũng có cơ hội hay thời gian để đi.

Nguyễn Trường Nhật (NTN): Bản thân em sinh ra ở một vùng quê, vì vậy vấn đề về thiết kế đã hơi xa lạ rồi. Khi bước chân lên Cần Thơ em nghĩ sẽ có một môi trường mới cho mình, nhưng thực ra thì không, Cần Thơ vẫn chưa đáp ứng được việc giúp em học hỏi thêm. Vì vậy khi chúng em cùng cô làm dự án này, thì quả là như cá gặp nước.


Lộn Xộn được ủng hộ hơi nhiều là vì ở Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, dù có nhu cầu và năng lực về thiết kế, nhưng không có cơ hội học hỏi và cọ xát.

Vậy Lộn Xộn hiện chủ yếu gồm các bạn sinh viên? Từ lúc thành lập đến giờ, nhóm đã hoạt động như thế nào?

CNSP: Các bạn đều là sinh viên và rất chịu khó. Ban đầu bọn mình bắt đầu với sinh viên Đại học FPT Cần Thơ, nhưng sau này thì cũng có kêu gọi một số bạn bên ngoài vào.

Quá trình chuẩn bị cho Expo từ tháng 6, Lộn Xộn hoạt động như một studio vậy. Các bạn đề xuất dự án, rồi mỗi tuần tổ chức các buổi ‘critique’, thảo luận cùng nhau, đi chung và hỗ trợ nhau. Mô hình này rất hay vì nhóm tập hợp các bạn từ nhiều phong cách và hướng đi, mức độ kinh nghiệm và kỹ thuật cũng khác nhau. Nhưng do tình hình giãn cách xã hội ở Cần Thơ nên tụi mình phải tổ chức triển lãm online và lần này tập trung vô mảng thiết kế đồ họa và vẽ minh họa. Ban đầu, khi dự định tổ chức ở không gian thực, một số bạn cũng đề xuất làm sắp đặt hay điêu khắc.

Thông thường bọn mình cũng có các buổi thực hành về vẽ, vẽ người, ký họa. Mình muốn có các thực hành để giúp các bạn tự do hơn trong sáng tác – theo kinh nghiệm cá nhân, có những workshop bị rập khuôn, lúc nào cũng phải vẽ ví dụ nữ vòng 1-2-3 như thế nào, da trắng như thế nào, v..v.. Ngoài ra, bữa giờ tụi mình làm thư viện sketchbook cũng hay, nhận được sketchbook từ những bạn ở cả miền Bắc, ở Đà Nẵng, TP. HCM, rồi từ bên Anh và Thái Lan nữa.

NAH: Dự án sketchbook bọn em sẽ mở kêu gọi đợt hai, vì được hưởng ứng khá nhiều. Có nhiều người không trong chuyên ngành nhưng rất thích xem sketchbook, bởi qua đó họ có thể thấy được phần nào tư duy thiết kế cũng như tính cách và suy nghĩ của người khác.

CNSP: Hiện thư viện sketchbook có khoảng 32 cuốn. Trong không gian Expo trên Gather tụi mình làm nguyên cái thư viện để tổng kết. Có nhiều bạn không liên quan đến ngành thiết kế hay sáng tạo, ví dụ có bạn làm kế toán nhưng vẽ rất đẹp, có những góc nhìn mới lạ, mình thấy hay và học hỏi được nhiều.

Sương vừa nhắc đến các buổi ‘critique’, vậy theo các bạn hoạt động này có tầm quan trọng thế nào với sinh viên?

NAH: Trong Lộn Xộn có những em sinh viên năm nhất, còn chưa học gì, nhưng cũng tham gia liền. Các em có suy nghĩ và ý tưởng nhưng thường gặp khó khăn về kỹ thuật, nên phải có những buổi để hỗ trợ và hướng dẫn nhau. Có thể tác phẩm chưa chỉn chu hoặc chưa như ý muốn, nhưng điều quan trọng là các em ấy dám làm, dám tham gia, dám đưa tác phẩm của mình đến với mọi người, dám trải nghiệm.

CNSP: Các buổi critique diễn ra theo dạng ai rảnh thì đến, rồi coi hình cho nhau. Đôi lúc mình ngồi đó ăn ‘popcorn’ thôi, để các em tự thảo luận với nhau. Motto của mình khi dạy thiết kế là để các bạn cọ xát và thực hành cả bên ngoài khuôn viên của trường. Khi đi làm, các bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều góc nhìn khác nhau, nên phải biết nhìn nhận đâu là một ý kiến tốt và có tính xây dựng cho ý tưởng của mình, hoặc trước ý kiến không phù hợp thì phải giữ lập trường.

Trước khi giãn cách, các bạn thường qua nhà mình rồi ngồi làm việc. Trong giãn cách tụi mình dựng nguyên một ‘headquarter’ ảo trên nền tảng Gather, cứ đến Chủ nhật hay chiều thứ Năm thì lên Gather nói chuyện về tác phẩm của nhau.


Điều quan trọng là các em ấy dám làm, dám tham gia, dám đưa tác phẩm của mình đến với mọi người, dám trải nghiệm.

Một số tác phẩm trong Lộn Xộn Expo. Ấn vào từng hình để xem trọn vẹn

Với mình, Lộn Xộn Expo là một trong những dự án tái hiện rất hiệu quả và ấn tượng – trên một không gian ảo – trải nghiệm của một triển lãm nghệ thuật thông thường. Các bạn có thể giới thiệu một chút về nền tảng Gather được sử dụng cho triển lãm?

CNSP: Hồi nhỏ mình hay chơi Pokemon, nên thấy Gather cũng có nhiều điểm tương đồng, khá thân thiện và gần gũi. Mình là người lên kế hoạch tổng thể nói chung, sau đó nhắn hỏi từng bạn nghệ sĩ để xem không gian các bạn cần gì, muốn cho vô cái gì, từ đó thiết kế và phát triển từng không gian trên Gather cùng nhau. Huy tham gia rất nhiều trong phần dựng không gian. Vấn đề của không gian ảo là rất dễ trở thành phi danh tính, không còn tinh thần của một vùng miền cụ thể, trong khi Lộn Xộn tập trung vô tinh thần và tài năng ở miền Tây. Vì vậy tụi mình đưa vào những hình ảnh thân quen với người miền Tây, nhưng có thể lại xa lạ với người khác.

NTN: Thực ra không xa lạ lắm đâu, như hình ảnh của chiếc xích lô, một chiếc thuyền trên chợ nổi buôn bán, rồi cầu khỉ, trò chơi tạt lon hay cá sấu lên bờ hồi nhỏ.

CNSP: Một số bạn giúp mình dựng luôn cả bến Ninh Kiều với các địa điểm nổi tiếng của Cần Thơ: Nhà thờ, Chùa Ông, Khám Lớn v.v… Một trong những mục tiêu của tụi mình là khán giả xem triển lãm ảo và biết được Cần Thơ có gì, để sau giãn cách có thể đến tham quan chẳng hạn. Mình cảm thấy ở miền Tây có một tinh thần thiết kế rất thú vị. Ví dụ, nền tảng của mình bên kiến trúc, nên mình cũng từng nghiên cứu đền Khmer ở miền Tây. Những ngôi đền này cho chúng ta thấy miền đất này tổng kết tinh hoa của nhiều nền văn hóa, thời kỳ, dân tộc, vùng miền.. để xây dựng cái riêng của họ. Trong ngôi đền ngay sau nhà mình thôi, có kiến trúc bản địa, kiến trúc Khmer, kiến trúc đạo Ấn, đạo Phật, rồi cả kiến trúc Art Deco, hoặc là kiến trúc Pháp hồi xưa. Mình nghĩ Lộn Xộn ở đây cũng thể hiện tinh thần đó. Tụi mình muốn giới thiệu những gì của vùng miền, nhưng không phải là “bê” nguyên xi như xưa, mà là qua một góc nhìn mới. Mình nghĩ điều này là quan trọng đối với các bạn miền Tây, để các bạn tự tìm ra con đường thiết kế của mình.

 

Video trải nghiệm một số khu vực trong không gian Lộn Xộn Expo

Các bạn có thể chia sẻ thêm về bối cảnh các hoạt động sáng tạo ở Cần Thơ? Theo nhóm, điều quan trọng nhất cộng đồng ở đây cần hỗ trợ là gì?

CNSP: Khi biết Lộn Xộn là dự án miền Tây duy nhất tham gia VFCD, tụi mình cũng giật mình. Miền Tây thiếu thốn nhiều, không biết ngoài Lộn Xộn còn ‘collective’ nào khác trong vùng không. Mình nghĩ Cần Thơ rất cần đầu tư vào những ‘collective’ thiết kế nhỏ, độc lập, trẻ – hiện các bạn rất thiếu cơ hội để giao lưu và cọ xát, rốt cuộc lại phải quyết định lên thành phố để theo đuổi đam mê. Đặt vị trí là một người thiết kế ở miền Tây vào thế kỷ 21, thì tụi mình có những gì: sự đa dạng về văn hóa, về tinh thần thiết kế, về hệ sinh thái. Nhưng vùng này lại có nguy cơ cao biến đổi và biến mất rất nhanh; và người trẻ hiện nay sẽ là thế hệ phải đối đầu với những điều đó. Vậy nên người trẻ là nhóm mà chúng ta nên đầu tư, để họ đem đến sự sáng tạo trong mọi ngành nghề, để Cần Thơ và miền Tây có thể tồn tại được trong môi trường đang thay đổi này.

Khi nhìn lại quá trình thực hiện Lộn Xộn Expo (một triển lãm trực tuyến được xây dựng trong một giai đoạn giãn cách xã hội), các bạn thấy điều gì là khó khăn nhất?

NAH: Quá trình thực hiện dự án em thấy khó nhất là làm sao giữ lửa cho các bạn cho đến cuối. Nhiều bạn thiếu kinh nghiệm, nên giữa chừng các bạn có thể thấy như không biết làm tiếp thế nào hay không hài lòng với sản phẩm của mình hiện tại. Cũng may là có team, hàng tuần hỗ trợ nhau và cùng giải quyết, cùng nhau vượt qua. Khi ‘chạy dự án’ em rất vui, vì được làm đúng với đam mê và sở trường của mình. Có thể các bạn khác chỉ quen chuyện làm bài tập, nhưng lần này bọn em hy vọng sẽ đẩy được dự án ở mức cao nhất, để có thể đưa vô portfolio của các bạn trong tương lai.

NTN: Một việc nữa là vì dịch nên nhóm phải làm việc từ xa, không hiệu quả như nếu làm việc trong cùng không gian và tiếp lửa cho nhau. Dù không phải một khó khăn, Lộn Xộn mang đến cho bản thân em mức độ làm việc cao hơn quá trình đi học, nhưng vì vậy mà sau này khi đi làm em sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn. Như Huy nói, được làm việc gắn với đam mê của mình thì mệt mỏi là không có rồi. Cũng như bây giờ cô đang là người dẫn đầu, biết đâu sau này tụi em lại dẫn theo những bạn trẻ hơn nữa, cứ như vậy tiếp nối thì văn hóa và lịch sử của miền Tây nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ không bị phai nhạt hay biến mất.

Tác phẩm trong dự án 'A Feast through Stamps' của Chim Thị Kim Ngân

Kế hoạch của Lộn Xộn cho tương lai?

CNSP: Hiện có bảy bạn trong team chính, các bạn ấy cùng mình từ quá trình lập Lộn Xộn, dựng không gian và tổ chức v.v.. Mình kỳ vọng vào các bạn ấy để tiếp tục Lộn Xộn và dựng những dự án lớn hơn hoặc “bạo” hơn nữa, liên kết với nhiều vùng miền khác nhau – tụi mình dám chắc tinh thần thiết kế ở Cần Thơ, Đồng Tháp sẽ khác với ở Kiên Giang hay Cà Mau chẳng hạn. Mong có ai đó ở miền Tây thấy được phỏng vấn này và liên lạc với Lộn Xộn để tụi mình có thể hợp tác cho các dự án sau này. Nếu Lộn Xộn chỉ làm với nhau thôi thì sẽ lại không đúng với mục đích ban đầu, và tụi mình sẽ lẻ loi một mình. Cũng có một số giáo viên ở FPT và trường khác ngỏ ý muốn vào làm chung với Lộn Xộn, không phải với tư cách giáo viên, mà theo kiểu “ê tui có cái này, các bạn làm chung với tui không”, rất là thân thiện.

Năm sau Lộn Xộn vẫn có thể quay lại và tiếp tục làm, cho dù thành viên có thể thay đổi, nhưng cộng đồng vẫn nằm đó, muốn đi vô đi ra khi nào cũng được. Bản thân mình đang muốn dựng một dự án tạm gọi là ‘Đầu này Đầu kia Bến Ninh Kiều’, đi từ đầu này đến đầu kia và luyện khả năng quan sát và vẽ, nhận diện những yếu tố quan trọng để miêu tả tinh thần của vùng miền. Còn những dự án lớn hơn thì tụi mình phải sắp xếp nhiều hơn. Mong sao cũng có dịp làm triển lãm trực tiếp và có nhiều dự án triển khai trong không gian vật lý hơn. Về không gian, tụi mình thích những không gian không chính thống chưa được định sẵn là dành cho nghệ thuật. Có ở đâu thì làm ở đấy, và đúng với tính chất môi trường nơi đó. Mình nghĩ chắc cũng sẽ khá ‘lộn xộn’.

Cécile Ngọc Sương Perdu & Nguyễn Anh Huy

LỘN XỘN là dự án triển lãm thiết kế và nghệ thuật độc lập đầu tiên tại Cần Thơ. Dự án này nhằm tạo sân chơi cho các tài năng trẻ tự do thể hiện cá tính qua các tác phẩm của mình, cũng như tạo ra một cộng đồng giao lưu thiết kế mới tại Cần Thơ.

LỘN XỘN EXPO gồm các tác phẩm của: Bùi Quan Võ Trung Kiên, Bùi Thị Tuyết Nhi, Chim Thị Kim Ngân, Lâm Ngọc Như, Lê Khải Đăng, Lê Phương Đình, Lý Phát Tuấn Anh, Nguyễn Anh Huy, Nguyễn Gia Khương, Nguyễn Hoàng Khang, Nguyễn Hoàng Tâm, Nguyễn Hữu Toàn, Nguyễn Minh Khánh Ngân, Nguyễn Ngô Thành Được, Nguyễn Thị Thu Xuân, Nguyễn Thị Tuyết Nhi, Nguyễn Trường Nhật, Phạm Văn Dương, Trần Hoàng Phong, Trần Ngô Quốc Bảo, Trần Quỳnh Anh, Trần Việt Hưng, Trịnh Duy Phát, Trịnh Quốc Thắng, Trịnh Võ Minh Nhật, Văn Thiên Trường. Điều hành & Phối hợp: Cécile Ngọc Sương Perdu.

Xem brochure của Lộn Xộn Expo tại đây.

Phỏng vấn: HDT
Đồ họa: Rongchơi
Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng
Toàn bộ hình ảnh cung cấp bởi Lộn Xộn

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2021 khi chia sẻ bài viết
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép