fbpx

Những điều ít biết về quốc kỳ, quốc ca và quốc huy Việt Nam

Ba biểu tượng – quốc kỳ, quốc ca và quốc huy – là hình ảnh đại diện cho đất nước Việt Nam qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến tận ngày nay. Nhưng, có lẽ cũng chính vì sự “đương nhiên” của chúng mà chúng ta dường như “quên” tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của những biểu tượng này.

Ba biểu tượng – quốc kỳ, quốc ca và quốc huy – là hình ảnh đại diện cho đất nước Việt Nam qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến tận ngày nay. Nhưng, có lẽ cũng chính vì sự “đương nhiên” của chúng mà chúng ta dường như “quên” tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của những biểu tượng này. Buổi tọa đàm: “Bản sắc Dân tộc Việt Nam” được đồng tổ chức bởi Hội Những người bạn Di sản Việt Nam (FVH) và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, nằm trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế 2020 đã được ra đời chính nhằm phục vụ những khán giả trong và ngoài nước muốn tìm hiểu lịch sử và nắm bắt được ý nghĩa, câu chuyện đằng sau từng biểu tượng.

Buổi tọa đàm đã diễn ra vào Thứ bảy ngày 14/11 với sự dẫn dắt của chị Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III; chị Lê Thị Lý, Lưu trữ viên, Phó phòng, Phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, với sự tham gia đặc biệt của bà Bùi Minh Thuỷ, con gái cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước, người đã vẽ nên quốc huy Việt Nam hiện đại.

Buổi tọa đàm bắt đầu với bài diễn thuyết của chị Trần Việt Hoa về quá trình hình thành và phát triển của các trung tâm lưu trữ nói chung và hoạt động hiện tại của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III nói riêng. Về quá trình hình thành và phát triển này, chúng tôi đã có một bài viết khác đề cập cụ thể và chi tiết hơn nên ở đây sẽ không đi vào cụ thể. Tuy vậy, từ những nhiệm vụ và trọng trách được giao, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc lưu trữ tài liệu và hơn nữa là thu nhận nhiều tài liệu quý hiếm, đặc biệt trong số đó có di bút “Tôi vẽ mẫu quốc huy” của cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước, được hiến tặng và trưng bày tại trung tâm.

Ba biểu tượng và câu chuyện của chúng

Bắt đầu vào nội dung chính của buổi toạ đàm, chúng ta được đưa về những ngày đầu tiên của Cách mạng. Lá quốc kỳ gần với hiện đại nhất, năm cánh sao vàng trên nền đỏ, lần đầu xuất hiện vào năm 1940 trong Khởi nghĩa Nam Kì. Chị Lê Thị Lý cho biết, “cờ đỏ sao vàng” bởi người Việt là da vàng máu đỏ, còn hình tượng ngôi sao năm cánh đại diện cho năm tầng lớp sĩ-công-nông-thương-binh hoà làm một, thể hiện sự đoàn kết vững chắc của các tầng lớp nhân dân như sao vàng năm cánh liền nhau, quyết chí chiến đấu không ngại hy sinh vì tự do và độc lập dân tộc.

Lá cờ gần nhữ giữ nguyên về mặt ý tưởng, chỉ trải qua thay đổi nhỏ. Giai đoạn đầu, từ khi xuất hiện đến trước năm 1955, ngôi sao vàng trên lá cờ có phần hơi phình ra, giờ hay được gọi vui là cờ sao béo. “Đến năm năm 1955, mẫu Quốc kỳ Việt Nam có sự điều chỉnh, kích thước của các cánh sao thon gọn hơn”, chị Lý cho biết.

“Hiện có nhiều giả thuyết, phỏng đoán về người vẽ ra quốc kỳ, tuy nhiên, với tư cách một trung tâm lưu trữ dựa vào khoa học, số liệu chuẩn xác thì chúng ta vẫn chưa thể xác minh được tác giả thật sự của quốc kỳ”. Chị Lý chia sẻ.

Ngược lại, chúng ta không những biết được tác giả của Quốc ca, chúng ta còn biết tác giả, nhạc sĩ Văn Cao, đã sáng tác bài hát trong hoàn cảnh nào. Đó là vào năm 1944 trong căn nhà 45 phố Nguyễn Thượng Hiền – căn nhà vẫn còn cho tới giờ. Chị Lý cho biết, “Văn Cao sáng tác bài Tiến quân ca, tiền thân của Quốc ca trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Văn Cao muốn cầm súng đánh giặc, nhưng được giao sáng tác bài hát cho đội quân cách mạng. Thời gian này, ông được giao việc sáng tác một bài hát động viên tinh thần Cách mạng, và thế là Tiến quân ca ra đời”.

Mẫu Quốc kỳ được Quốc hội thông qua năm 1955. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Quốc hội, hồ sơ 15, tờ 04.

Tiến quân ca ban đầu chưa phải là Quốc ca. Đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 13/08/1945, bài hát đã trải qua một số thay đổi về câu từ. Ví dụ, câu hát 

“Thề phanh thây uống máu quân thù” 

thể hiện lòng căm phẫn giặc gây nên nạn đói ở thời điểm đó đã được chỉnh sửa thành 

“Đường vinh quang xây xác quân thù” 

hay câu 

“Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!” 

được sửa thành 

“Núi sông Việt Nam ta vững bền” 

và sau cùng là 

“Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Bài hát cũng từng suýt bị thay thế vào năm 1981, khi Quốc hội khóa 6 quyết định tổ chức một cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới, để thay thế bài “Tiến quân ca” cho hợp tình hình giai đoạn mới. Cuộc thi diễn ra sôi nổi với hàng nghìn tác phẩm được gửi về và đã có 17 tác phẩm vào vòng cuối nhưng thể theo ý nguyện của nhân dân, bài Tiến quân ca vẫn là tác phẩm được giữ lại. Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, chúng ta có thể thấy nhiều tác phẩm trong cuộc thi này cũng như bản gốc của Tiến quân ca cùng sự thay đổi về phần lời với chính nét chữ của cố nhạc sĩ Văn Cao.

Quốc huy là biểu tượng ra đời cuối cùng trong ba biểu tượng trên, nhưng câu chuyện của nó cũng có nhiều biến động nhất. Vào năm 1953, hoạ sĩ Bùi Trang Chước, người trước đó chuyên sáng tác tem thư, giấy bạc cho Ngân hàng Việt Nam, được cử biệt phái sang Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng làm nhiệm vụ sáng tác bằng khen, huân, huy chương cho Chính phủ. Ở đây, ông tham gia cuộc vận động sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam. Ông đã có tới 112 bản vẽ phác thảo, nghiên cứu và hàng chục bản vẽ chì chi tiết những đối tượng mà ông muốn thể hiện trong mẫu Quốc huy. Con gái hoạ sĩ Bùi Trang Chước, bà Bùi Minh Thuỷ, kể lại: “Để vẽ nên mẫu quốc huy, cha tôi đã đi tìm những hình ảnh thiết thực gần gũi nhất với người Việt. là những biểu tượng hết sức gần gũi với người Việt Nam, có thể gắn với làng quê Việt Nam, với nền nông nghiệp trồng lúa, hay những biểu tượng có giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam… Để vẽ được những bông lúa cho chuẩn xác nhất, cha tôi thậm chí đã phải lội ruộng, lấy những bông lúa chín lên xem”.

Đến tháng 10/1954, từ hơn 300 mẫu quốc huy của các hoạ sĩ tham gia, cuối cùng chỉ còn 15 mẫu của duy nhất họa sĩ Bùi Trang Chước được lựa chọn trình Chính phủ để xin ý kiến. Cuối cùng, mẫu quốc huy gần với hiện tại nhất, hình tròn, có cây lúa và cái đe đã được lựa chọn nghiên cứu kỹ càng. Trong di bút “Tôi vẽ mẫu quốc huy” được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ, hoạ sĩ Bùi Trang Chước viết: “Một bản đưa đồng chí Côn để đệ trình lên Bác Hồ và được Bác Hồ góp ý: hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể; nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại”. Từ đó, mẫu quốc huy có hình bánh răng như hiện tại, lại thay đổi cả hình tròn thành hai kiềng chĩa ra, tạo vẻ cứng rắn, vững chãi.

Thế nhưng, do nhận nhiệm vụ mật, hoạ sĩ Bùi Trang Chước được điều chuyển sang nước ngoài. Công cuộc chỉnh sửa hoàn thiện được giao cho hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, sau này vì đó mà bị hiểu nhầm là tác giả mẫu quốc huy trong thời gian dài. Hiện di bút và những thay đổi qua từng thời kỳ của hoạ sĩ Bùi Trang Chước vẫn còn được lưu giữ tại Trung tâm, trong khu vực triển lãm.

Quốc huy Việt Nam cùng di bút của hoạ sĩ Bùi Trang Chước

Những cảm xúc được chia sẻ

Ở cuối chương trình, các câu hỏi liên tục được đặt ra. Một vài vị khách quốc tế đặt câu hỏi về ý nghĩa hình ảnh sao năm cánh của Việt Nam, về các màu được dùng cho quốc kỳ hay ý nghĩa những câu hát quốc ca. Một vị khách lớn tuổi khác trong buổi tọa đàm, đối thoại với vị khách trên, cho rằng quốc kỳ Việt Nam hàm chứa triết tính phương Đông sâu sắc, khi năm cánh có thể tượng trưng cho ngũ hành, còn màu đỏ tượng trưng cho lửa, màu vàng cho đất, nằm ở vị trí trung tâm ngũ hành. Những cuộc thảo luận được đưa ra rất sôi nổi, cùng với đó là những chia sẻ về phẩm hạnh của hoạ sĩ Bùi Trang Chước được giới thiệu bởi con gái hoạ sĩ.

Mẫu Quốc huy Việt Nam được ban bố theo Sắc lệnh số 254-SL ngày 14/01/1956 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Công báo năm 1956.


Tôi ở Việt Nam lâu, nhìn quốc kỳ và nghe quốc ca nhiều, nhưng chưa bao giờ biết những câu chuyện lịch sử lại thú vị đến vậy! Các bạn hẳn phải rất tự hào về lịch sử của mình, vì đây đúng là những dấu ấn về sự độc lập tự cường của dân tộc.

Cuối buổi tọa đàm, chúng tôi đã đi tham quan những hình ảnh triển lãm về ba biểu tượng quốc gia. Ở đây, chúng tôi được chiêm ngưỡng những văn bản gốc được Trung tâm Lưu trữ bảo quản cẩn thận. Triển lãm cũng trình chiếu nhiều dấu ấn của ba biểu tượng này trong những năm gần đây, trong đó phải kể đến lần đầu tiên lá cờ Việt Nam bay tại Liên hiệp quốc hay những viên gạch giữ đảo tạc hình quốc huy tại quần đảo Trường Sa. Những vị khách tham dự, dù nhiều người không phải người Việt Nam, đều cảm thấy một tinh thần dân tộc lớn và sâu sắc, kết tinh truyền thống văn hoá người Việt. 

Một vị khách quốc tế, ở Việt Nam nhiều năm, sau buổi toạ đàm đã xúc động phát biểu: “Tôi ở Việt Nam lâu, nhìn quốc kỳ và nghe quốc ca nhiều, nhưng chưa bao giờ biết những câu chuyện lịch sử lại thú vị đến vậy! Các bạn hẳn phải rất tự hào về lịch sử của mình, vì đây đúng là những dấu ấn về sự độc lập tự cường của dân tộc”.

Có vị khách lớn tuổi khác chia sẻ: “Tôi hôm nay đã huỷ đi chơi với hội bạn mà đến đây, không uổng tý nào! Để lát tôi kể cho các cô cậu nghe một vài chuyện nữa về Văn Cao… Ngày xưa tôi biết ông ấy đấy!”

Những vị khách cẩn trọng lắng nghe chương trình

Bài viết: Đinh Nguyễn
Đồ họa: Rongchoi
Ảnh chụp: Sha & Đan
Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.