Thương mại điện tử trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây tại Việt Nam, là một phương thức phân phối và quảng bá không thể thiếu nhưng đầy tính cạnh tranh. Các thương hiệu thương mại điện tử gặp không ít thử thách trên con đường tạo sự khác biệt cho riêng mình. Với nhiều năm kinh nghiệm ở vị trí cao cấp trong lĩnh vực thương mại điện tử, anh Phạm Thông đã chia sẻ một vài bài học thành công từ khả năng sáng tạo của các thương hiệu Việt anh từng cộng tác, cũng như những case study điển hình, dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam trong tọa đàm: “Tính sáng tạo của thương hiệu Việt trong lĩnh vực thương mại điện tử”
Diễn giả Phạm Thông mở đầu toạ đàm bằng cái nhìn tổng quan và những con số đáng kinh ngạc của sự phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam kể từ năm 2012. Thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng một cách thần kỳ, ngay cả trong giai đoạn Covid-19. Hiện nay, có hơn 68 triệu người Việt Nam hoạt động trên internet, trong số đó rất nhiều người thích nghi nhanh chóng với việc mua sắm trực tuyến, hơn 51 triệu người tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử. Ước tính giá trị thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay là 300 tỷ đô la Mỹ. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử kéo theo sự ra đời và phát triển của các hình thức thanh toán điện tử, ví điện tử: 20 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động tại Việt Nam, tương đương với 8.1 tỷ đô la Mỹ.
Thương mại điện tử đã phổ biến và phát triển rất lâu tại Mỹ trước khi du nhập vào các nước châu Á và Việt Nam. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn trong văn hoá mua sắm của Mỹ và các nước châu Á, đây chính là yếu tố giúp cho các công ty thương mại điện tử bản địa chiếm ưu thế và phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Thương mại điện tử tại các nước châu Á không chỉ dừng lại ở việc mua sắm thông thường, đặc biệt các nước Đông Nam Á, phát triển rất nhiều hoạt động xung quang đó khiến cho việc mua sắm trực tuyến trở nên giải trí và thú vị hơn (Shoppertainment). Các hoạt động được tập trung phát triển gồm có: Âm nhạc & Video (Music & Video), Nghệ thuật & Thiết kế (Art & Design), Trò chơi & Lan tỏa (Game & Viral).
Với mỗi case study, diễn giả cẩn thận lựa chọn thương hiệu và các chiến dịch (campaign) điển hình, gần gũi, cũng như gây được tiếng vang lớn trong thời gian gần đây. Trong mảng Âm nhạc & Video, đáng chú ý nhất, phủ sóng rộng khắp nhất chính là Tiki với campaign “TIKI đi cùng Sao Việt”, với hiệu quả ước tính gấp 20 lần các quảng cáo thông thường trên Youtube. Nổi trội bằng cách sử dụng Nghệ thuật & Thiết kế thì không thể không nhắc đến các chiến dịch của Biti’s Hunter. Biti’s đã tận dụng tối ưu các lợi thế về văn hoá, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nội địa, và “niềm tự hào hàng Việt Nam” (#proudlymadeinVietnam) để chiếm lĩnh thị phần trong nước. Ngoài yếu tố nghệ thuật & thiết kế được sử dụng chủ đạo trong chiến dịch này, thì có một điểm vô cùng đặc biệt trong chiến lược thương mại điện tử, các sản phẩm được bán theo đơn đặt hàng trước khi lên kệ tại các cửa hàng. Điều này giúp nhãn hàng giảm thiểu được rủi ro về mặt sản xuất số lượng lớn và giảm thiểu tồn kho.
Trò chơi (Game) góp một phần không nhỏ trong phát triển thương mại điện tử bởi tính giải trí và lan tỏa (Viral). Thuật ngữ Gamification việc sử dụng cơ chế của trò chơi và thiết kế trải nghiệm để thúc đẩy và tăng tương tác của người dùng để thay đổi hành vi và hoàn thành mục tiêu. Tuỳ vào mục đich của chiến dịch mà các trò chơi được thiết kế để tăng tương tác, giao lưu với bạn bè, hoàn thành một tác vụ nào đó để có được sự thoả mãn, niềm vui… Zalo Pay đã tạo ra cơn sốt lì xì qua ví điện tử trong chiến dịch Tết 2019. Chỉ sau một tháng khởi động chiến dịch Tết “Heo chiêu tài”, Zalo Pay đã tăng trưởng 400% tổng số giao dịch thanh toán và lì xì so với Tết 2018. Con số ấn tượng này càng khẳng định tiềm năng của thương mại điện tử, cũng như tầm quan trọng của sáng tạo trong lĩnh vực này. Sáng tạo chính là yếu tố thay đổi cục diện, ưu thế của thương mại điện tử so với các ngành kinh doanh tài chính ngân hàng truyền thống khác./