Những tác phẩm của các nghệ sĩ Úc cho thấy cách sử dụng nguyên liệu hay kỹ thuật truyền thống để nói lên những câu chuyện ngày nay. Đó có thể là kỹ thuật thêu ren truyền thống, sử dụng tới 2km thừng của nghệ sĩ Lindy de Wijn, cũng có thể là sản phẩm túi xách da cóc vô cùng độc đáo của hai nghệ sĩ Lia Tabrah và Perina Drummond. Các nghệ sĩ đã đưa ra những tuyên ngôn nghệ thuật rất mới và có tính cá nhân sâu sắc. Ví dụ, nghệ sĩ Yu Fang Chi muốn biến những câu chuyện bị lãng quên trở nên hữu hình bằng cách đưa ra những câu chuyện thay thế để giải thích chúng, tái hiện mối quan hệ không rõ ràng giữa cơ thể, cử chỉ và đồ trang sức. Michelle Hamer, với tác phẩm khâu thủ công trên nhựa đục lỗ, lại muốn phản ánh những câu nói hoa ngôn, sáo rỗng của truyền thông trong thời kỳ COVID. Tất cả, tựu trung lại, như phát biểu từ phía RMIT, đều mang một tinh thần “tái hiện, tưởng tượng lại một lịch sử khó khăn của nước Úc bằng cách đưa ra tiếng nói của các nghệ sĩ bản địa”.
Phát biểu về các nghệ sĩ Việt Nam, đại diện bên phía RMIT cho rằng “các nghệ sĩ Việt có rất nhiều điều đáng để học hỏi qua những tác phẩm rực rỡ, sống động từ một lịch sử truyền thống phong phú, được duy trì sau nhiều thế kỷ”. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các tác phẩm của những nghệ sĩ tham gia chương trình. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đem đến các tác phẩm sơn mài gắn chặt với truyền thống làng quê Việt Nam với hình tượng đàn gà. Nghệ sĩ Ngô Trọng Văn thì đem đến những tác phẩm gốm men tinh xảo, còn nhà thiết kế Vũ Thảo lại nêu bật được vấn đề thời trang bền vững triệt để trong bộ thiết kế tinh tế mới nhất của mình…Nghệ sĩ nào cũng đặc sắc, cá tính với các tác phẩm được xây dựng từ chất liệu và kỹ thuật thủ công truyền thống của Việt Nam.
Đó cũng là điểm đặc sắc nhất của triển lãm này. Dù ở hai đất nước khác nhau, nhưng các chất liệu truyền thống giữa Việt Nam và Úc lại có rất nhiều nét tương đồng. Bởi vậy, sự khác biệt chính là do cách từng nghệ nhân, nghệ sĩ thổi hồn vào tác phẩm. Có người tái hiện những tác phẩm nguyên bản của các bộ lạc thổ dân, nhưng cũng có nghệ sĩ phát triển những nguyên liệu này theo hướng hoàn toàn mới. Phát biểu về trải nghiệm, chị Nguyễn Hà chia sẻ: “Đây là một trải nghiệm rất thú vị! […] Về căn bản, thủ công cũng bao gồm những lĩnh vực, chất liệu vậy thôi nhưng ngay cả cách thực hành cũng rất tương đồng, tiệm cận nhau. Nhờ thế mà nghệ sĩ, nghệ nhân của hai nước sẽ có những hiểu biết sâu rộng hơn về những thực hành tương tự ở quốc gia còn lại”.