fbpx

Tọa đàm ‘Trang phục, Văn hoá & Kết nối’: thế nào là bền vững?

Vào ngày 19/11, Nhóm nghiên cứu Nghệ thuật đương đại & Chuyển đổi xã hội RMIT (CAST) và Trung tâm Sáng tạo Xã hội RMIT đã có buổi toạ đàm với chủ đề: Trang phục, Văn hoá & Kết nối.

Cuộc trò chuyện đã được điều phối bởi cô Rimi Khan, Giảng viên khoa Truyền thông & Thiết kế tại Đại học RMIT Việt Nam. Ba diễn giả tham gia chương trình là: Nhà thiết kế Vũ Thảo, giám đốc Kilomet 109, một thương hiệu Việt đi đầu trong thời trang bền vững. Diễn giả thứ hai, Aleksandra Nedeljkovic, là giám đốc tổ chức The Social Studio tại Úc. Công việc của Aleksandra tập trung tác động tới xã hội, mang sự giao thoa của kinh doanh có chủ tâm với thời trang và nghệ thuật. Tiến sĩ Léuli Eshrāghi là diễn giả thứ ba của chương trình. Anh hiện đang làm việc tại Hội đồng quản trị của Tập thể Giám tuyển Bản địa (Aboriginal Curatorial Collective).

Đến từ ba khía cạnh khác nhau của cùng lĩnh vực thời trang, một nhà thiết kế, một giám đốc tổ chức và một học giả đã đưa ra nhiều ý kiến và điểm nhìn hết sức mới mẻ trong việc phát triển thời trang bền vững.

Đứng từ khía cạnh một nhà nghiên cứu về các cộng đồng bản địa, Tiến sĩ Eshrāghi cho biết, “vấn đề” của các cộng đồng bản địa tại Úc là sự đa dạng của họ về văn hoá lẫn ngôn ngữ. Điều này, anh cho rằng, vừa khiến việc khai thác văn hoá, trang phục của các cộng đồng trở nên “hết sức thú vị” nhưng cũng khiến việc “dung hoà các tính chất giữa truyền thống và hiện đại trở nên khó khăn hơn”. Đồng thời, anh hiểu những vấn đề về sự đứt gãy văn hoá do thời gian thuộc địa của Anh trên đất nước này, và do đó, việc phục hồi và duy trì các nếp nghĩ, tập tục cũ giữa những cộng đồng bản địa lại càng ngày càng cấp thiết. “Dung hoà” (nuance), do đó, trở thành một triết lý quan trọng trong các công trình nghiên cứu thời trang của anh.

Sự khác biệt văn hoá, sự tin tưởng giữa các cộng đồng với “người miền xuôi” và giữa các cộng đồng với nhau cũng là điểm khó khăn khi tiếp cận với các dân tộc ít người tại Việt Nam, theo chị Vũ Thảo. Với tư cách là một nhà thiết kế, để tìm hiểu về truyền thống dệt may lẫn cách xử lý màu vải, bản thân chị và nhiều cá nhân khác trong công ty đã sống, sinh hoạt cùng các cộng đồng này trong thời gian dài. Điều này không những khiến chị thấm nhuần những thực hành tại đây mà còn tạo dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên. Sự khó khăn còn lại nằm ở việc tối đa hoá nhân công, bởi vì chúng ta “không thể cứ thuê thêm nhiều nhân công như cách ta vẫn làm được”, mà phải tôn trọng và thực hành đúng với những yêu cầu, tập quán của các cộng đồng này. Việc sử dụng những cộng đồng lân cận, do đó, vừa cấp thiết lại vừa phức tạp, bởi lẽ mỗi cộng đồng lại có những lề thói riêng. Do đó, trong nhiều năm, công việc của chị là tạo dựng sự tin tưởng giữa các cộng đồng này với nhau chứ không thâm nhập những hỗ trợ bên ngoài vào. Điều này khá tương tự với cách tiếp cận của Tiến sĩ Eshrāghi với các cộng đồng bản địa tại Úc. Tuy nhiên, dưới vai trò một nhà thiết kế thời trang, thay vì chỉ đơn thuần phục dựng và bảo tồn các di sản văn hoá, nghệ thuật như cách làm hiện tại của anh Eshrāghi, chị Vũ Thảo cũng tập trung rất nhiều vào việc xây dựng một nền tảng mới, thành cầu nối bền vững giữa truyền thống và hiện đại trên những sản phẩm thời trang.

Ngược lại cách tiếp cận với truyền thống để tạo ra sự phát triển bền vững của hai diễn giả trên, The Social Studio lại phát triển tính bền vững thời trang theo chiều ngang, nghĩa là trong cùng một cộng đồng các công ty, tổ chức thời trang với nhau cũng như xây dựng một tương lai bền vững qua các khoá đào tạo tại Studio. Là một tổ chức giáo dục, rất nhiều học sinh, sinh viên ở The Social Studio đã có những thành tựu nhất định trong ngành thời trang. Đồng thời, với tính chất hoạt động phi lợi nhuận, hỗ trợ người nhập cư và truyền bá những thực hành thời trang bền vững, The Social Studio không hướng đến cạnh tranh với các tổ chức khác, mà đưa ra những tư vấn, hỗ trợ và cả chia sẻ cách hoạt động của mình cho nhiều nhãn hiệu khác tại Úc. Điều đó đã tạo ra một nền tảng bền vững và hợp đạo đức tại quốc gia này.

Ở cuối buổi trò chuyện, mỗi diễn giả đề cập đến những hoạt động tổ chức của họ đã làm trong thời kỳ Covid-19, cũng như về những dự định tương lai. “Thời kỳ Covid khiến cho chúng tôi sống chậm lại, nhưng cũng giúp chúng tôi có nhiều thời gian nghiên cứu hơn”, Tiến sĩ Eshrāghi chia sẻ. Đồng tình với cách xử lý này, chị Vũ Thảo cũng cho biết, dù kinh doanh không được thuận lợi như trước, chị và nhãn hiệu lại có nhiều dự định mới hơn với những thử nghiệm độc đáo hợp tác cùng chính các cộng đồng dân tộc. “Trước đây, những người thợ, dù có kỹ năng rất tốt, cũng chỉ làm để xuất khẩu sang Trung Quốc hoạc bán cho các nhãn hiệu dưới xuôi. Tôi dự định thiết kế và tổ chức những sản phẩm để họ có thể mặc cho chính họ, tự hào về thực hành của chính họ”, chị cho biết.

Về phần mình, The Social Studio đã có những hoạt động vô cùng hiệu quả trong thời kỳ Covid. Họ đã liên kết cùng Chính quyền bang Victoria để tạo ra những loại khẩu trang chất lượng tốt, thân thiện với môi trường. Về mặt học tập, họ chuyển dịch phương pháp dạy học qua trực tuyến và vẫn giữ được chất lượng ban đầu. Do đó, dù đối đầu với nhiều tháng giãn cách tại Úc, The Social Studio “vẫn hoạt động rất tốt, thậm chí còn có nhiều việc hơn trước đây”, chị Aleksandra cho hay.

Kết thúc buổi đàm luận, các diễn giả và người xem đều có những đúc rút cho sự phát triển bền vững của thời trang, đặc biệt trước tình trạng Covid hiện nay. Đó là một kết nối với quá khứ như cách làm của Tiến sĩ Eshrāghi, một cây cầu giữa quá khứ và hiện tại, thổi hồn vào trong tác phẩm như cách làm của Kilomet 109 hay việc tạo ra một thị trường cạnh tranh bền vững, có đạo đức và đào tạo ra những sinh viên tương lai trong ngành thời trang như The Social Studio… Dù là gì, chúng ta cũng có thể thấy, sự bền vững trong thời trang không chỉ gói gọn lại trong chất liệu hay thực hành, mà còn phải tìm về gốc rễ, đưa ra ánh sáng và duy trì những hoạt động này ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống.

NGƯỜI VIẾT
Đinh Nguyễn