fbpx

Truyện kể “đây / đó”: Bền vững đến từ kết nối cộng đồng và tinh hoa bản địa

“Thiết kế – thủ công, thời trang bền vững là con đường tôi yêu thích, con đường tôi lựa chọn để đi”, Phạm Phan Hoàng Linh chia sẻ trong buổi ra mắt dự án “đây / đó” hôm 12.11 trong khuôn khổ VFCD 2021, một chương trình hợp tác thủ công, thiết kế giữa Việt Nam và Australia mà Linh cùng nhà thiết kế Vũ Thảo (Nhà sáng lập Kilomet109) và The Social Studio (Australia) là những đối tác đầu tiên tham gia. Để khởi động hành trình cộng tác sẽ kéo dài trong 12 tháng, những nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà quản lý từ hai đầu cầu Việt – Úc đã ngồi lại, cùng chia sẻ về những câu chuyện, những giá trị và tầm nhìn trên con đường theo đuổi thời trang bền vững.

“Thiết kế – thủ công, thời trang bền vững là con đường tôi yêu thích, con đường tôi lựa chọn để đi”, Phạm Phan Hoàng Linh chia sẻ trong buổi ra mắt dự án “đây / đó” hôm 12.11 trong khuôn khổ VFCD 2021, một chương trình hợp tác thủ công, thiết kế giữa Việt Nam và Australia mà Linh cùng nhà thiết kế Vũ Thảo (Nhà sáng lập Kilomet109) và The Social Studio (Australia) là những đối tác đầu tiên tham gia. Để khởi động hành trình cộng tác sẽ kéo dài trong 12 tháng, những nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà quản lý từ hai đầu cầu Việt – Úc đã ngồi lại, cùng chia sẻ về những câu chuyện, những giá trị và tầm nhìn trên con đường theo đuổi thời trang bền vững.

Khái niệm “bền vững” trong những năm gần đây ngày càng được nhắc đến như một xu hướng nổi trội ở mọi lĩnh vực hay chủ đề bàn luận. Nhưng đối với nhà thiết kế Phạm Phan Hoàng Linh, “bền vững” hiện tồn ngay trong cuộc sống hàng ngày ở vùng cao Tây Bắc, nơi Linh sống và gắn bó suốt tám năm qua.  

“Cuộc sống của đồng bào ở đây cho tôi rất nhiều cảm xúc trong công việc làm thời trang, đó vốn đã là cuộc sống bền vững rồi. Họ tự trồng trọt, chăn nuôi, tự tay làm ra vải để dệt áo quần, tự làm tất cả mọi thứ”, Linh chia sẻ.  

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quảng Nam, cô sinh viên trường Mỹ thuật Huế đã “phải lòng” Tây Bắc trong một lần đi thực tế, để rồi sau khi tốt nghiệp chuyển hẳn tới đây sinh sống, tìm nguồn cảm hứng cho nghệ thuật.   

“Hình ảnh những người phụ nữ ngồi thêu bên hiên, gánh vải hong nắng, đôi bàn tay quay lanh dệt vải, đám mây trôi hay tia nắng lấp lánh đầu ngọn cây… bấy nhiêu thôi cũng đủ làm tôi nao lòng. Đó cũng chính là cầu nối đưa tôi đến với công việc nhuộm vải, thiết kế, may vá hoàn toàn không liên quan tới những gì tôi đã học”. 

Linh hiện có một tiệm đồ thủ công nho nhỏ ở bản Cát Cát (Sapa) tên là Linh Handicraft, nơi chị cộng tác với những nghệ nhân, thợ thủ công bản địa để tạo ra các sản phẩm thiết kế, thời trang mang tính ứng dụng trong đời sống hàng ngày.

Không gian tiệm đồ thủ công Linh Handicraft ở bản Cát Cát, Sapa. Ảnh do Linh Handicraft cung cấp.

TRÂN QUÝ NGƯỜI NGHỆ NHÂN VÀ TINH HOA CHẾ TÁC THỦ CÔNG BẢN ĐỊA

Đối với Phạm Phan Hoàng Linh, tám năm ở bản Cát Cát là quãng thời gian không ngừng quan sát, học hỏi và tiếp thu những giá trị của nền chế tác thủ công bản địa. Tự gọi mình là một “họa sĩ làm thời trang”, Linh cặm cụi mày mò học các bà, các chị, những người nghệ nhân, người thợ thủ công trong vùng các kỹ thuật nhuộm chàm, dệt vải, vẽ sáp ong, cùng với họ làm ra những sản phẩm mà trong đó chị không chỉ là người thiết kế mà còn trực tiếp tham vào các công đoạn chế tác chất liệu, qua đó thấm hiểu và trân trọng công sức, giá trị của người nghệ nhân, thợ thủ công.

Linh nhấn mạnh chị luôn đề cao khâu chế tác chất liệu trong mỗi thiết kế, bởi “người thợ thủ công và nghệ nhân làm ra chất liệu đẹp, từ đó người sáng tác mới có thể phiêu và tạo ra tác phẩm theo cảm xúc của mình”.

“Đó là sự gắn bó, mối quan hệ mật thiết, nâng đỡ nhau trong công việc”, Linh nói, đoạn giới thiệu mấy tấm hình chụp kỷ niệm cùng những người thợ và em gái H’Mong trong xưởng của chị ở Cát Cát. “Tôi và các nghệ nhân, các bạn ở đây kết hợp rất vui vẻ, chúng tôi như một gia đình thân thiết, không có sự phân cách nào”.

Theo Linh, sự bền vững trong thời trang không chỉ bao gồm khía cạnh thân thiện với môi trường mà còn nằm ở giá trị thủ công nguyên bản của từng sản phẩm – nhờ kết hợp đôi bàn tay khéo léo của người chế tác và ngôn ngữ sáng tạo của người thiết kế. “Thời trang thủ công mang vẻ đẹp mộc mạc, độc bản, không trùng lặp, tỉ mỉ từng chi tiết, làm cho từng thiết kế trở nên duy nhất, sau mỗi thiết kế là câu chuyện cảm xúc của người làm ra nó”. 

Niềm trân quý và ước ao gìn giữ nền chế tác thủ công bản địa đang dần mai một cũng là động lực để nhà thiết kế Vũ Thảo lựa chọn, kiên định đi con đường của thời trang bền vững và bảo tồn đa dạng văn hóa.

Nghệ nhân bản địa cộng tác cùng nhà thiết kế Phạm Phan Hoàng Linh tại Linh Handicraft. Ảnh do Linh Handicraft cung cấp.


Việt Nam trong những năm gần đây gần như bị lãng quên trên bản đồ chế tác thế giới. Chỉ được biết đến là một chốn gia công thôi…

“Việt Nam trong những năm gần đây gần như bị lãng quên trên bản đồ chế tác thế giới. Chỉ được biết đến là một chốn gia công thôi… Điều này trở thành một sự thúc đẩy rất lớn với mình khi bắt đầu thương hiệu Kilomet109”, thương hiệu mà chị Vũ Thảo sáng lập và gây dựng từ năm 2012, nay đã trở thành một trong những tên tuổi đi đầu trong dòng thời trang sinh thái ở Việt Nam. “Ngay từ đầu mình đã cố gắng để xây dựng một thương hiệu thuần Việt, làm ra các sản phẩm được thiết kế bởi người Việt, chế tác bởi người Việt, vận dụng những kỹ năng kỹ xảo thủ công của người Việt”, chị chia sẻ.

Ở Kilomet109, nhà thiết kế Vũ Thảo làm việc với các cộng đồng thủ công để xây dựng một quy trình khép kín trong khâu chế tác từ canh tác, chế tác nguyên liệu thô, cho đến trồng trọt những chất liệu thực vật để tạo chất nhuộm tự nhiên, qua đây chị nhận ra “quá trình chế tác thủ công là một quá trình rất lành tính”.

“Chúng ta sử dụng các chất liệu để gia chế nó hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên, ngoài ra không cần nhiều đến điện năng, thậm chí nước có thể sử dụng lại. Những chất thải từ chế tác, ví dụ cây chàm sau khi ngâm xong thì có thể sử dụng làm phân xanh để bón cho cây cối, cho chính ruộng chàm”, chị giải thích thêm.

Quá trình này có liên quan trực tiếp đến môi trường lao động, sức khỏe, an toàn của cộng đồng – điều tối quan trọng đối với Vũ Thảo và Kilomet109. “Cộng đồng mạnh khỏe có nghĩa là Kilomet109 mạnh khỏe, (nhờ đó mà) cộng đồng chế tác cũng sẽ mạnh khỏe theo và cả cộng đồng sáng tạo cũng vậy”.

Một công đoạn trong nhuộm vải tự nhiên bằng củ nâu. Ảnh do Kilomet109 cung cấp.

MINH BẠCH LÀM NÊN BỀN VỮNG

Việc có thể cung cấp những thông tin rõ ràng, cặn kẽ liên quan đến quy trình sản xuất, chế tác sản phẩm, theo chị Vũ Thảo, là tính minh bạch cần thiết để phát triển thời trang bền vững.

Nhà thiết kế Phạm Phan Hoàng Linh cũng có cùng chia sẻ: “Sự bền vững trong thời trang còn ở chỗ phải cho người sử dụng biết nguồn gốc rõ ràng của sản phẩm, các công đoạn mình tạo ra một thiết kế, để người ta có thể trân quý và yêu sản phẩm thủ công này hơn”. 

Trong khi minh bạch là một hướng đi khó cho các thương hiệu lớn, gần như là không thể với các thương hiệu hàng loạt, thì với thương hiệu nhỏ như Kilomet109, chế tác địa phương đã cho “cơ hội ngàn vàng” để có thể hoàn toàn minh bạch được, chị Vũ Thảo cho biết. 

“Tôi có thể trực tiếp kể câu chuyện về thương hiệu, về nét đẹp cũng như sự đa dạng văn hóa thủ công của người Việt. Người tiêu dùng và khán giả có thể tiếp cận với nghệ nhân rất gần, tìm hiểu về các vùng văn hóa khác nhau”. Vũ Thảo nói chị “muốn kể Việt Nam” qua một lăng kính bình dị, đời thường, không bị “biên tập lại”. “Nó hoàn toàn là như thế nào thì tôi kể như thế, một cách tự nhiên. Câu chuyện đó có con người là trọng tâm, có cảnh quan xung quanh, môi trường sống của họ cũng là nét đẹp mà chúng ta cần tôn vinh”.

Nhà sáng lập Kilomet109 chia sẻ sự minh bạch cũng tạo ra những giá trị khác cho thương hiệu của chị.


Chế tác bản địa, bảo tồn sự đa dạng văn hóa, đảm bảo sinh kế cho một số cộng đồng yếu thế, các cộng đồng thiểu số và vùng sâu vùng xa. Điều này rất quan trọng đối với tôi.

Nghệ nhân H’Mong Đen ở Sapa chế tác vải thủ công. Ảnh: Julie Vola.

THỜI TRANG XÂY GIÁ TRỊ CỘNG ĐỒNG

Ở phía bên kia địa cầu, bảo tồn đa dạng văn hóa và hỗ trợ cho những cộng đồng yếu thế cũng là câu chuyện chung của The Social Studio, một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận có trụ sở tại Melbourne, Australia và cũng là bên sẽ hợp tác với nhà thiết kế Phạm Phan Hoàng Linh, nhà thiết kế Vũ Thảo trong dự án “đây / đó” dự kiến kéo dài 12 tháng.   

Thành lập vào năm 2009, đến nay The Social Studio (TSS) hoạt động như một mô hình kết hợp giữa nhà bán lẻ, xưởng sản xuất và trường đào tạo nhằm mang đến cho những người dân có nguồn gốc nhập cư hay tị nạn cơ hội trải nghiệm, học tập và sáng tạo trong lĩnh vực thời trang, thiết kế và nghệ thuật, với tôn chỉ “cộng đồng luôn luôn là trọng tâm của chúng tôi”.

TSS là doanh nghiệp được công nhận bởi Ethical Clothing Australia (ECA – Đơn vị cấp chứng nhận về đạo đức may mặc của Australia). “Điều này có nghĩa là chúng tôi làm việc với hiệp hội may mặc để đảm bảo các nhân viên được trả lương xứng đáng và được làm việc trong một môi trường an toàn”, Giám đốc điều hành The Social Studio Dewi Cooke cho biết.

Trong vòng hơn một thập kỷ, TSS đã hỗ trợ hơn 780 thanh niên tham gia vào các khóa đào tạo cấp chứng chỉ miễn phí về thời trang, may mặc, bên cạnh nhiều chương trình cố vấn, thực tập khác liên quan đến các hoạt động sáng tạo, sản xuất của doanh nghiệp này (theo trang web TSS).

Dewi cho hay TSS đang hợp tác với Đại học RMIT tổ chức một khóa học hai năm, tại đó, các học viên sẽ được học những kỹ năng về sản xuất và chế tác sản phẩm may mặc đạt tiêu chuẩn công nghiệp. “Đó là không gian mà các bạn trẻ có thể khám phá năng lực sáng tạo của bản thân, xây dựng sự tự tin, đồng thời có thể cân nhắc lựa chọn con đường làm việc trong ngành sáng tạo hay không, sau khi hoàn thành chương trình hai năm này”.

Một dự án rất ý nghĩa gần đây mà TSS hợp tác cùng trường Đại học Collingwood là nơi có lượng lớn sinh viên có nguồn gốc nhập cư/di cư, nhiều bạn khi nhập học còn bỡ ngỡ, rụt rè vì chưa thạo tiếng Anh. Nhân dịp đầu năm học mới, TSS đã thiết kế và sản xuất một banner khổ lớn treo tại khuôn viên trường để chào đón các tân sinh viên. Tấm băng nổi bật với nhiều màu sắc rực rỡ hòa quyện, bên trên có các biểu tượng, ký tự của 32 ngôn ngữ khác nhau thể hiện tinh thần tôn trọng đa dạng văn hóa của trường Collingwood cũng như của cộng đồng địa phương.

Banner do The Social Studio thiết kế và sản xuất treo tại khuôn viên trường Đại học Collingwood. Nguồn ảnh: thesocialstudio.org

“Tác phẩm mang thông điệp trân trọng đối với văn hóa của người dân nhập cư, cũng là trọng tâm trong công việc của chúng tôi: đó là tạo ra tinh thần cộng đồng, sự hòa nhập, kết nối những con người đến từ nhiều nền tảng khác nhau, đặc biệt là người dân nhập cư, tị nạn”, Dewi chia sẻ.

KẾT NỐI “ĐÓ” “ĐÂY” MỞ CÁNH CỬA HỢP TÁC XUYÊN BIÊN GIỚI

Trong buổi trò chuyện, các nhà thiết kế, nghệ sĩ và nhà quản lý doanh nghiệp cũng nói về triển vọng hợp tác cũng như điều họ muốn học hỏi hay đóng góp khi tham gia dự án cộng tác xuyên biên giới “đây / đó”, một chương trình tổ chức bởi CAST (nhóm nghiên cứu Nghệ thuật đương đại và Chuyển đổi xã hội), Đại học RMIT Việt Nam, Vietcraft, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), Work Room Four và Tuần lễ Thiết kế Việt Nam, được tài trợ bởi Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

Phạm Phan Hoàng Linh bày tỏ mong muốn được kết nối và học cách làm việc với các cộng đồng khác nhau từ chị Vũ Thảo, cũng như tìm hiểu cách vận hành, kinh doanh của The Social Studio, để từ đó phát triển mô hình nhỏ của mình – Linh Handicraft

Tự nhận mình là “một fan bự của màu chàm”, chị Dewi từ The Social Studio mong hiểu thêm về kỹ thuật nhuộm tự nhiên truyền thống và cả những câu chuyện muôn vẻ đằng sau cách người dân địa phương sử dụng màu. Chị nói TSS cũng đã thử nghiệm một chút việc nhuộm tự nhiên nhưng hiện vẫn chưa có đủ kinh nghiệm ở mảng này.

Nhìn từ phía nhà thiết kế Vũ Thảo, TSS khiến chị rất ấn tượng và muốn tìm hiểu, học hỏi nhiều hơn nữa ở mô hình hoạt động, cũng như tầm nhìn của doanh nghiệp xã hội này. Chia sẻ về tên gọi của dự án, chị Vũ Thảo nói:


‘đây / đó’ làm tôi nghĩ ngay tới sự kết nối. Đó – đây còn gợi đến tính đa dạng nữa. Một cơ hội cộng tác rất tuyệt vời giữa những nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế, những doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp xã hội.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhà sáng lập Kilomet109 tin tưởng dự án sẽ mở ra một con đường mới, một mô hình hợp tác quốc tế tiên phong, mang đến nhiều thay đổi trong toàn cảnh về hợp tác đa ngành. 

Dewi bổ sung rằng “ý tưởng đằng sau ‘đó / đây’ còn là tính linh hoạt. Là ‘ở-đó’ hay ‘ở-đây’ phụ thuộc vào góc nhìn chủ quan của chúng ta, có nghĩa là hoàn toàn có thể linh hoạt. Vậy nên tôi nghĩ dù ở đâu đi chăng nữa, chúng ta cũng có thể chia sẻ và hợp tác với nhau, nếu chúng ta muốn”.

Bài viết: Hải An
Đồ họa: Rongchơi
Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2021 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.