fbpx

Giai Đoạn Mới Của Liên Kết Lưu Trữ Văn Hoá Nghệ Thuật

Tiếp nối những thảo luận từ VFCD 2020, một hội thảo tiếp tục diễn ta tại phiên bản năm nay của Liên hoan xoay quanh câu chuyện lưu trữ và khả năng tận dụng các công nghệ và nền tảng số trong việc quản lý, khai thác và tạo tiếp cận cho tư liệu. Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tuyến sáng 09.11.2021 dưới sự tổ chức của Đại học RMIT Việt Nam.

Nếu như sự kiện tương tự vào năm ngoái đem đến những chia sẻ từ các đơn vị công lập – như Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) hay Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với những hoạt động về lưu trữ di sản văn hóa phi vật thể – thì hội thảo năm nay mở đầu với bản trình bày của Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn (NAT) về một dự án anh đang triển khai cùng Heritage Space. Dưới tên gọi Vietnam Art Archive (ViAA – Lưu trữ Nghệ thuật Việt Nam), dự án hướng đến một cơ sở dữ liệu trực tuyến về nghệ thuật đương đại Việt Nam từ đầu thập niên 1990 đến nay. 

Tham luận của Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn về Lưu trữ Nghệ thuật Việt Nam (ViAA)

Trong bối cảnh lịch sử nghệ thuật đương đại Việt Nam đang hiện diện qua nhiều phân mảnh nhỏ thuộc các bộ sưu tập tư nhân/cá nhân, một lưu trữ ở quy mô như ViAA mang ý nghĩa tiên phong và được Giám tuyển NAT kỳ vọng sẽ là một dự án dài hơi của Heritage Space. Khởi đầu với dữ liệu về “khoảng 20-30 nghệ sĩ” từ nhiều bối cảnh và hình thái nghệ thuật khác nhau (từ các nghệ sĩ trình diễn tiên phong của những năm 1990, đến các nghệ sĩ trẻ với những thực hành liên ngành ngày nay), ViAA hướng đến một phổ dữ liệu rộng – văn bản, tư liệu hình ảnh, video hay “statement” của nghệ sĩ về “các tác phẩm đã được ra mắt công chúng qua các triển lãm hay sự kiện” – nhằm đóng góp cho những “ký ức tập thể” và trở thành một nguồn thông tin/tri thức hữu ích phục vụ cho sự tìm hiểu của công chúng và cả các nghiên cứu chuyên sâu. Được phát triển từ cuối năm 2019 đến nay (phiên bản beta của ViAA dự định ra mắt vào tháng 12.2021), đã có nhiều thử thách mà Giám tuyển NAT cùng đội ngũ thực hiện phải tìm cách vượt qua – từ sự hạn chế về lượng nhân lực, sự phức tạp về yêu cầu kỹ thuật, cho đến quy mô khổng lồ của lượng thông tin dự án cần thu thập và biên tập, hay việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn (nghệ sĩ, tác phẩm..) để đưa vào lưu trữ. 

Tham luận của PGS. TS. Lê Thanh Hà về ứng dụng công nghệ trong công tác lưu trữ

Nếu tham luận của Giám tuyển NAT gợi mở những suy nghĩ cho câu hỏi “Chúng ta lưu trữ gì?” – làm thế nào giúp hiện diện các nhánh lịch sử ngoài khu vực nhà nước và không thuộc về các định chế lớn – thì tham luận của PGS. TS. Lê Thanh Hà (LTH) tập trung vào câu hỏi “Chúng ta lưu trữ như thế nào?” Trước hết, anh giúp người nghe có cái nhìn tổng quan về các bước trong quy trình làm việc với tư liệu: từ việc thu thập và số hóa tư liệu, lập hồ sơ quản lý, lưu trữ và bảo quản ở các lựa chọn định dạng khác nhau, cho đến việc khai thác và giới thiệu tư liệu đến với công chúng. Ở mỗi bước trong quy trình này, các đột phá về công nghệ và kỹ thuật đã giúp mang đến những chuyển biến lớn tại Việt Nam một thập kỷ gần đây. Ví dụ, với bước số hóa (làm việc với tư liệu đầu vào) – anh LTH nhắc đến công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và những máy scan có độ phân giải rất cao, giúp số hóa và phục dựng các bức tượng, phù điêu, mộc bản (đặc biệt những hiện vật đã bị hư hại hoặc thất lạc); hay như kỹ thuật motion-capture (chụp lại chuyển động) có thể đã quá quen thuộc với khán giả của những bộ phim kinh phí lớn, giúp lưu lại các động tác, tư thế, cử chỉ hay thể cách của các hình thái nghệ thuật trình diễn dân gian. 

Ở khâu lưu trữ và bảo quản, tư liệu đang dần được “di dời” từ các nền tảng vật lý truyền thống (băng từ, đĩa DVD) sang các nền tảng đám mây vốn đã trở nên rất quen thuộc tại Việt Nam. Trong công tác khai thác và giới thiệu tư liệu đến với công chúng đại chúng – được anh LTH đánh giá không phải là thế mạnh của các đơn vị lưu trữ Việt Nam bởi nhiều nguyên do, trong đó không loại trừ câu chuyện kinh phí – các kỹ thuật mới nhất đang tạo ra ngày càng nhiều các không gian 3D ảo dành cho sự trải nghiệm tác phẩm và tài nguyên (hoặc phiên bản “số” của các tác phẩm và tài nguyên tồn tại ngoài đời thực), đồng thời công nghệ blockchain có thể giúp giải quyết được bài toán về đảm bảo bản quyền tư liệu trong môi trường trực tuyến. 

Dù có nhiều tiềm năng như kể trên, việc ứng dụng công nghệ trong công tác lưu trữ còn nhiều thử thách cần vượt qua: như sự cân bằng giữa yêu cầu kỹ thuật và tính thẩm mỹ (hay chất lượng thị giác) của các tư liệu số hóa, hay sự vênh giữa chủ trương và khuyến khích của nhà nước dành cho “chuyển đổi số” và sự “lúng túng”, thiếu hỗ trợ cụ thể mà các đơn vị gặp phải khi thực hiện công việc này. Trước thực tại đó, mỗi đơn vị và cá nhân có những cách thích ứng khác nhau. 

Các diễn giả tham dự sự kiện (trái > phải, trên > dưới) / Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (Giám đốc VICAS Art Studio) / Giảng viên Michal Teague (ĐH RMIT Việt Nam) / PGS. TS. Lê Thanh Hà (Trưởng phòng Thí nghiệm Tương tác Người - Máy, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) / Tiến sĩ Trần Việt Hoa (Giám đốc TT Lưu trữ Quốc gia III) / Nghệ sĩ Richard Streitmatter-Tran / Tiến sĩ Tammy Wong Hulbert (ĐH RMIT Australia) / Thạc sĩ Trần Hải Vân (Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam) / Nhà báo Trương Uyên Ly (Giám đốc Hanoi Grapevine) / Tiến sĩ Emma Duester (ĐH RMIT Việt Nam) / Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Nghệ thuật Heritage Space)

Tại phiên Thảo luận của Hội thảo, Bảo tàng Phụ nữ tiếp tục chứng tỏ vị thế chủ động đáng hoan nghênh: Thạc sĩ Trần Hải Vân (Giám đốc Bảo tàng) giới thiệu về hai triển lãm mà họ thực hiện trong năm 2021; hay các tour 360 độ (trên nền tảng trực tuyến) dành cho khu vực trưng bày thường xuyên của Bảo tàng; hay sự kết hợp với các đơn vị tư nhân chuyên về thương mại điện tử, một quá trình phần nào hỗ trợ bởi những khảo sát, nghiên cứu và đề xuất của sinh viên Đại học RMIT Việt Nam xoay quanh bộ sưu tập của Bảo tàng Phụ nữ. Còn với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Tiến sĩ Trần Việt Hoa (Giám đốc Trung tâm) chia sẻ về những nỗ lực bền bỉ số hóa các tư liệu có giá trị lịch sử mà Trung tâm đang nắm giữ, và việc tận dụng nhiều hơn các kênh truyền thông số, mạng xã hội và yếu tố công nghệ nói chung, để hướng đến thực hiện nhiều hơn các triển lãm ảo. 

Nhìn rộng hơn phạm trù kỹ thuật, cũng trong phiên thảo luận Tiến sĩ Tammy Wong Hulbert (ĐH RMIT Australia) chỉ ra những tương quan quyền lực liên quan đến các trần thuật lưu trữ, về việc cần đảm bảo sự tham gia và lợi ích của cộng đồng những người sở hữu tư liệu/tài nguyên. Còn nghệ sĩ độc lập Richard Streitmatter-Tran nhấn mạnh vấn đề vai trò và tính chất cơ bản nhất của hành động lưu trữ: việc “cứu” các câu chuyện và các lịch sử – đặc biệt là của các nhóm yếu thế – trước dòng chảy của thời gian và sự lãng quên, qua đó làm rõ chiều kích xã hội của công việc lưu trữ văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Điểm cộng lớn nhất của sự kiện, có thể nói, nằm ở sự gặp gỡ của nhiều góc nhìn và quan điểm, từ những cá nhân với thực hành khác nhau, ở các địa hạt khác nhau, nhưng đều đang ít nhiều làm việc cùng tư liệu lưu trữ. Như Nhà báo Trương Uyên Ly (Giám đốc Hanoi Grapevine) chia sẻ ở cuối chương trình, giờ là lúc các tổ chức và cá nhân văn hóa nghệ thuật Việt Nam bước vào một giai đoạn mới của những hợp tác và liên kết, hướng đến một mạng lưới lưu trữ quy mô, có cơ chế hoạt động rõ ràng, đảm bảo được tính bền vững, và có khả năng tạo những tiếp cận mang tính bao trùm cho nhiều đối tượng người dùng.

01.12.21

Bài viết: HDT

Bản dịch tiếng Anh: Đinh Vũ Nhật Hồng, HDT

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2021 khi chia sẻ bài viết

Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép