fbpx

Vì mục tiêu xây dựng thành phố phát triển năng động, bền vững

(HNMCT) – Ngày 31-10-2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc). Trong hơn một năm qua, không khí hân hoan, cởi mở, trân trọng và tinh thần thúc đẩy sáng tạo đã lan tỏa trong đời sống cũng như hầu khắp các ngành nghề, lĩnh vực. Hà Nội đang cho thấy sự tập trung nỗ lực cao độ vào việc thúc đẩy sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố phát triển năng động và bền vững.

Trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020, công chúng có cơ hội trải nghiệm ghép tranh trên các sản phẩm túi, áo… tại Vụn Art. Ảnh: Hữu Nguyên

Ghi nhận qua một liên hoan

Trẻ trung, đầy cảm hứng, sáng tạo – đó là những nhận xét mà những người tham dự dành cho Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 đang diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 7 đến 22-11). Đây là liên hoan do Đại học RMIT khởi xướng, UNESCO Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), Tổ chức Sáng tạo bền vững COLAB Việt Nam phối hợp cùng các đối tác tổ chức nhằm mục đích tôn vinh tinh thần sáng tạo Việt.

Nếu như ở lần đầu tổ chức (năm 2019) với tên gọi cũ là Liên hoan Truyền thông & Thiết kế Việt Nam – liên hoan lấy Hà Nội làm tâm điểm và trực tiếp hỗ trợ Thành phố trong vai trò thành viên mới của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thì năm nay, Ban Tổ chức đã quyết định mở rộng quy mô liên hoan ra toàn quốc với mong muốn tôn vinh sức mạnh đổi mới sáng tạo mang tính đột phá của thành phố Hồ Chí Minh và cố đô Huế, bên cạnh nét văn hóa và sức sáng tạo của Hà Nội.

Việc tôn vinh, kết nối sáng tạo được thực hiện thông qua một chuỗi hoạt động trực tuyến và trực tiếp như triển lãm nghệ thuật đương đại Việt Nam với tên gọi Không mây không mưa, triển lãm trực tuyến chung Đôi tay tài hoa, Văn hóa tương đồng giữa các nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ Australia; các hoạt động trải nghiệm văn hóa nghệ thuật như: Tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế, ghép tranh từ vải vụn, vẽ tranh sơn mài… Xuyên suốt liên hoan, các bạn trẻ có cơ hội thể hiện chính kiến và trao đổi ý tưởng sáng tạo qua cuộc thi trực tuyến “Việt Nam 2030: Tầm nhìn tương lai”.

Giáo sư Julia Gaimster -Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT, đánh giá liên hoan là “nơi hội tụ những người yêu thích sự sáng tạo và nét văn hóa truyền thống lẫn đương đại tại Việt Nam”. Đặc biệt, đối tượng tập trung chủ yếu của liên hoan là những người trẻ. “Ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam. Để cạnh tranh được với thế giới, Việt Nam cần nuôi dưỡng và cho các quốc gia khác thấy tài năng sáng tạo của đất nước”, Giáo sư Gaimster nhận định.

Đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL, các đơn vị tổ chức cắt băng khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020.

Khơi dậy tinh thần sáng tạo

Cùng với Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020, trong năm qua, người dân Hà Nội đã được chứng kiến, tham gia rất nhiều hoạt động khơi nguồn sáng tạo. Mặc dù dịch Covid-19 đã gây ra những trở ngại lớn song mặt khác, chính từ những thách thức đó lại tạo ra cơ hội sáng tạo. Chỉ kể riêng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các nghệ sĩ đã ứng dụng thành tựu công nghệ để thực hiện nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động mang tính sáng tạo, như các hoạt động triển lãm, biểu diễn trực tuyến, các cuộc thi online…

Một trong những ví dụ tiêu biểu cho các hoạt động hướng tới mục tiêu thúc đẩy sáng tạo của Thành phố là cuộc thi viết “ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình” do Công đoàn viên chức thành phố Hà Nội và Báo Lao động Thủ đô tổ chức, vừa tổng kết vào tháng 10 vừa qua.

Ông Phạm Bá Vĩnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, Chủ tịch Công đoàn viên chức Thành phố, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết: “Sau một năm phát động, cuộc thi đã thu được 200 bài viết tham dự. Các bài dự thi đã thể hiện tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc đóng góp những sáng kiến, giải pháp có tính khả thi, có khả năng áp dụng trong thực tế, đem lại hiệu quả trong các lĩnh vực mà cuộc thi đã đề cập. Nhiều bài dự thi không chỉ được đầu tư về mặt nội dung, ý tưởng cùng các giải pháp khả thi, mà còn được trình bày đẹp, có hình ảnh minh họa công phu, chứng tỏ sự đầu tư lớn về thời gian, công sức, trí tuệ, sự tỉ mỉ trong tra cứu tư liệu. Có thể khẳng định rằng, các bài dự thi đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức chung sức phấn đấu xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đánh giá: “Cuộc thi thể hiện tính sáng tạo, tiếp cận tầm nhìn thế giới. Chắc chắn khi chúng tôi báo cáo kết quả của cuộc thi với Tổ chức UNESCO, họ sẽ đánh giá cao ý tưởng và những điều chúng ta thực hiện. Thời gian tới, Sở sẽ triển khai kế hoạch, xây dựng lộ trình, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên cố gắng phát triển những ý tưởng từ cuộc thi”.

Từng bước hiện thực hóa mục tiêu

Từ bức tranh thực tế, hầu hết các chuyên gia đều nhận định: Thành phố Hà Nội có quá nhiều tiềm năng, nhân tố và các điều kiện sáng tạo. Nhiều ý tưởng đang được triển khai, hiện thực hóa, góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo. Tuy nhiên, một trong những thách thức được Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận ngay từ khi lập hồ sơ ứng cử danh hiệu Thành phố sáng tạo đó là việc thiếu cơ chế phối hợp giữa các lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: “Có rất nhiều người đang hoạt động tích cực tại Hà Nội nhưng lại không biết tới nhau”. Chính vì vậy, việc tạo ra một cộng đồng sáng tạo có tính kết nối cao nhằm hỗ trợ các cá nhân sáng tạo, đặc biệt là những người trẻ, là một trong những yêu cầu quan trọng ở giai đoạn này.

Theo các chuyên gia, cộng đồng sáng tạo đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sáng tạo. Theo nhạc sĩ Thanh Bùi, cá nhân riêng lẻ thường chật vật trong việc tạo ảnh hưởng hay được vinh danh khi có sản phẩm sáng tạo. Vậy nên, cần thiết phải có những hoạt động mang tầm quốc gia để kết nối những người hoạt động trong lĩnh vực này. Khi ở trong một cộng đồng, họ không chỉ được chia sẻ về ý tưởng, được động viên mà còn tìm kiếm được cơ hội hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Sau một năm thành phố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, người dân Thủ đô rõ ràng đã có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận, thực hành các hoạt động sáng tạo. Họ mong muốn có được một cộng đồng sáng tạo có tính liên kết chặt chẽ hơn nữa, hoạt động sôi nổi hơn nữa để hiện thực hóa các ý tưởng của mình.

Trong cam kết với UNESCO, thành phố Hà Nội cũng khẳng định: Sẽ kiến tạo một trung tâm thiết kế sáng tạo với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Và, bằng những hành động thiết thực, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội thực sự trở thành một trung tâm văn hóa và sáng tạo, một điểm đến về thiết kế trong khu vực, hay nói cách khác là một kinh đô sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam, công chúng có cơ hội tham gia chuỗi hoạt động phong phú thuộc 24 chương trình được tổ chức ở Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, các hoạt động tại Thủ đô chiếm số lượng lớn nhất, phong phú nhất với nhiều hình thức triển lãm, tọa đàm, trải nghiệm… Năm nay, để đối phó với dịch Covid-19 và cũng để tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận sự kiện, bên cạnh việc tổ chức trực tiếp, hầu hết các hoạt động tại liên hoan đều được phát trực tuyến.

 

Nguồn: Báo Nhịp sống Hà Nội – Hà Nội mới online